Sáng 11.10, Hội thảo quốc tế “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” diễn ra tại TP.HCM.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Sử học Vũ Thế Long, Ủy viên BCH Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, trong lịch sử phát triển của văn hóa ẩm thực nhân loại, ta thấy mỗi vùng miền khác nhau trên trái đất, loài người đã khám phá và tạo nên những sản phẩm ẩm thực để thích nghi với môi trường sống của mình. Việt Nam chủ yếu phát triển lúa và từ gạo sinh ra nhiều món ăn đặc sản.
TS Sử học Vũ Thế Long phát biểu tại hội thảo quốc tế sáng 11.10 |
Cơm gạo là thứ lương thực phổ biến của cư dân vùng lãnh thổ nước Việt xa xưa bao trùm một vùng nam sông Dương Tử và nhóm cư dân dọc sông Hồng từ Vân Nam trở xuống các đồng bằng châu thổ rộng lớn vùng Đông Nam Á. Người Việt ăn bánh mì, ăn sản phẩm làm từ bột mì là một quá trình hội nhập do các yếu tố văn hóa kinh tế và lịch sử mà hình thành. Sự thăng trầm của bánh mì một phần cũng có nguồn gốc từ đó.
Bánh mì Việt Nam được từ điển và nhiều nhà nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và thế giới quan tâm là bánh mì loại nào? Xuất xứ từ đâu? Có những đặc trưng gì?
“Trước hết, tôi có điều tra, tìm hiểu các loại bánh mì của Việt Nam đã và đang có trên thị trường, so sánh các thương hiệu bánh mì Việt và với những loại bánh mì hiện có trên thế giới. Kết quả cho thấy nếu chỉ xét cái bánh mì theo nghĩa hẹp, tức là những chiếc bánh làm từ bột mì thì giữa bánh mì sản xuất ở Việt Nam và bánh sản xuất trên thị trường thế giới cũng không mấy khác biệt. Nó chỉ khác nhau về chủng loại như bánh mì đen hay bánh mì trắng, bánh làm từ loại bột nào? Dùng men gì nặn tròn hay dài, mềm hay cứng? Đặc ruột hay rỗng ruột, xốp… Cũng tương tự như dân Châu Á ăn cơm thì nấu từ gạo gì, hạt dài hay tròn, tẻ, nếp, chiêm, mùa và các loại gạo đặc sản Điện Biên? Xén Cù hay gạo Thái gạo Nhật… Vậy thì cái bánh mì mà chỉ tách phần bánh ra khỏi với những thứ ăn kèm và mọi sự chế biến, diễn biến đi kèm với cái bánh ấy thì bánh mì sản xuất ở Việt Nam hay do người Việt Nam ở nước ngoài làm ra cũng không có mấy khác biệt. Vậy thì bí mật hấp dẫn người ta với “Bánh mì Việt nam” là ở chỗ nào?”, TS Long đặt câu hỏi.
Bánh mì với những món ăn kèm mới là đặc điểm riêng của Việt Nam |
TS Vũ Thế Long nhận định: Đến nay, sự ra đời và phát triển của bánh mì mang sắc thái Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời. Bánh mì với các loại ăn kèm với nó giống như các bữa cỗ của người Việt Nam, ăn cơm với thịt bò, thịt gà hay cá… Chính là bánh mì ăn với cái gì mới là đặc điểm riêng. Cách chế biến mới tạo nên sự nổi tiếng của món bánh mì Việt Nam và thể hiện sự sáng tạo phong phú. Đủ các loại nhân bánh như bánh mì chảo Hà Nội, bánh mì que với pate (Hải Phòng), bánh mì bột lọc ở miền Trung (bánh mì kẹp bánh bột lọc), bánh mì chả cá, bánh mì ép (Thừa Thiên Huế), bánh mì gà xé, bánh mì đầu nhọn (Hội An), bánh mì xá xíu, bánh mì phá lấu, bánh mì pate, bánh mì bì, bánh mì kem, bánh mì nướng muối ớt, bánh mì dân tổ, bánh mì thanh long, bánh mì bóng đêm (màu đen)…
TS Vũ Thế Long nhấn mạnh: “Giá trị ở trong bánh mì Việt Nam chính là những món ăn đi kèm khiến món ăn này của nước ta trở nên nổi bật, là nét ẩm thực thu hút với du khách nước ngoài”.
Nguồn: thanhnien.vn