Các bãi chôn lấp rác ở nhiều địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, luôn trong tình trạng quá tải… đã khiến cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp như ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, bãi chôn lấp rác thải tập trung của phường Phú Thứ đã bị thu hồi từ năm 2020 để phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu dân cư dịch vụ thương mại phía bắc thị trấn Phú Thứ, giai đoạn 1.
Để giải quyết vấn đề rác thải, thị xã Kinh Môn đã quyết định đầu tư công trình bãi chôn lấp chất thải rắn của phường Phú Thứ nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp các chất thải rắn thông thường phát sinh từ các khu dân cư và cụm công nghiệp trên địa bàn phường.
Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt mới của phường Phú Thứ rộng gần 1 ha ở khu vực xứ đồng Bạt Trái, khu dân cư số 6. Trong diện tích trên có khoảng 103 m2 đất xây dựng công trình, khoảng 8.568 m2 đất giao thông nội bộ và sân bãi, còn lại là đất cây xanh. Tháng 4.2021, UBND thị xã Kinh Môn đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết công trình xây dựng này, tỷ lệ 1/500 và đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật vào cuối năm 2021. Ngày 21.12.2021, UBND thị xã Kinh Môn đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện công trình.
UBND phường Phú Thứ đã triển khai giải phóng mặt bằng công trình theo quy định. Các hộ dân có đất trong phạm vi bãi chôn lấp chất thải đồng thuận, ký phương án bồi thường, hỗ trợ; đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công một phần tường bao, đường vào bãi rác.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án này còn vướng mắc dẫn đến phải tạm dừng công trình. Đến nay toàn bộ diện tích đất thực hiện bãi rác chưa được tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng, giao đất để thực hiện. Giữa năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp rà soát toàn bộ các vấn đề có liên quan đến việc xây dựng bãi tập kết rác này.
Qua đó đã xác định bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt này chưa bảo đảm khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Công trình chưa có trong điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Vì vậy, tháng 7.2022, UBND tỉnh Hải Dương có công văn chỉ đạo, yêu cầu UBND thị xã Kinh Môn dừng xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại phường Phú Thứ.
Trong khi chưa có bãi tập kết rác thải tập trung bảo đảm quy định, phường Phú Thứ tập kết rác lộ thiên tạm thời ở khu đất khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ
Bãi rác cũ đã bị thu hồi, trong khi bãi rác mới chưa có dẫn đến tình trạng rác thải ùn ứ. Phường Phú Thứ chưa có vị trí, địa điểm tập kết rác bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường theo quy định gây bức xúc trong dư luận.
Theo UBND phường Phú Thứ, trung bình mỗi ngày toàn phường phát sinh khoảng 5 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Thời gian qua, rác thải của phường chủ yếu được tập kết tạm thời, tập kết nhờ trong đất và tại khu mỏ khai thác khoáng sản của doanh nghiệp. Hiện nay khu mỏ đã đóng cửa và bàn giao cho địa phương quản lý. “Việc tập kết rác lộ thiên, không bảo đảm quy định có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Lượng rác thải ngày càng nhiều sẽ sớm dẫn đến tình trạng quá tải. Việc tập kết hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời nhưng phường không còn địa điểm nào khác phù hợp”, ông Tùng cho biết.
Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kinh Môn cho biết, sau khi bãi rác bị thu hồi, hiện nay phường Phú Thứ chưa có bãi rác tập trung. Thị xã đã khảo sát, rà soát lại các vị trí tại phường Phú Thứ cho thấy ngoài vị trí quy hoạch bãi rác hiện nay, trên địa bàn phường Phú Thứ không còn vị trí nào phù hợp. UBND thị xã Kinh Môn đề nghị cơ quan chức năng có liên quan, UBND tỉnh xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất để triển khai tiếp công trình, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.
Vướng mắc trong việc xây dựng bãi rác mới và vấn đề thu gom, tập kết rác thải tại phường Phú Thứ rất bức thiết, cần sớm được xem xét, tháo gỡ để bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Trước mắt, địa phương cần quan tâm giải pháp phân loại, xử lý chất thải rắn tại nguồn theo đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh để giảm lượng rác thải phát sinh cần thu gom, xử lý.
Trao đổi về về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiện nay việc thu hút đầu tư nhà máy rác của nhiều địa phương còn khó khăn. Thời gian tới, Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh nên tham mưu cho lãnh đạo tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện dự án do tỉnh chấp nhận đầu tư, để thực hiện các dự án xử lý rác thải sinh hoạt được tốt hơn.
Đồng thời, cùng với tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, các tỉnh, thành cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý chất thải./.
Nguồn: moitruongvadothi.vn