Friday, November 29, 2024

Việt Nam lấy con người làm trung tâm để ứng phó với tình trạng nước biển dâng

Ngày 14/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành Phiên thảo luận mở về “Nước biển dâng – các tác động đối với hòa bình và an ninh.”

Phiên họp do Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu và Thương mại Malta chủ trì với các phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban Luật pháp quốc tế và đại diện hơn 70 nước thành viên Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đều nhấn mạnh nước biển dâng vừa là thách thức, vừa là tác nhân gia tăng khủng hoảng, tàn phá hệ sinh thái, tác động tới phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới tiếp cận nước sạch, lương thực, y tế và đời sống của người dân và đe dọa tới sự tồn vong của các quốc gia. Nước biển dâng cũng làm gia tăng xâm nhập mặn, khiến nhiều khu vực trên thế giới đứng trước nguy cơ không thể sinh sống, canh tác.

Cả Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc đều cho rằng vùng hạ nguồn sông Mekong là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề và rõ ràng nhất của nước biển dâng và xâm nhập mặn, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhất trí với các nhận định trên của Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng liên quan đến Việt Nam, đồng thời tái khẳng định Việt Nam hiểu rõ những tác động tiêu cực của nước biển dâng đến kinh tế-xã hội, hòa bình, an ninh và sự tồn vong của nhiều quốc gia.

Việt Nam lấy con người làm trung tâm để ứng phó với tình trạng nước biển dâng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc dự phiên thảo luận mở. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần có biện pháp toàn diện, lấy con người làm trung tâm.

Đại sứ khẳng định các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc cần tăng cường vai trò và điều phối hoạt động trong vấn đề này. Trong đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khuyến nghị Hội đồng Bảo an cân nhắc tổ chức thêm các cuộc thảo luận với các nhà khoa học, chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về tác động của nước biển dâng tới hòa bình và an ninh, xây dựng cơ sở dữ liệu về tác động đa chiều của vấn đề này cũng như thông qua một hệ thống cảnh báo sớm về nước biển dâng ở các khu vực xung đột.

Đây là phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được tổ chức theo đề xuất của Malta trong tháng đầu tiên nước này đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực đồng thời là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img