Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải loạt bài viết phản ánh về dấu hiệu lẫn một lượng lớn xít thải, than trong vật liệu san lấp (VLSL) mặt bằng Dự án Green Dragon City II ở thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh do Tập đoàn TTP làm Chủ đầu tư. Trong đó có bài: https://www.moitruongvadothi.vn/quang-ninh-lap-lo-danh-lan-con-den-khi-su-dung-xit-thai-lam-vat-lieu-san-lap-a115554.html.
Sau khi các bài báo được đăng tải, Tập đoàn TTP đã có 02 văn bản phản (số 180/CV-TĐTTP ngày 23/11/2022, và Văn bản số 182/CV-TĐTTTP) về việc phản hồi nội dung các bài báo này. Ngay sau khi nhận được văn bản của Tập đoàn TTP, toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã ban hành văn bản phản hồi làm rõ nội dung kiến nghị của Tập đoàn này, đồng thời đăng tải công khai nội dung phản hồi trên lên Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam, chi tiết tại: https://www.moitruongvadothi.vn/phan-hoi-van-ban-cua-tap-doan-ttp-dang-tren-moi-truong-va-do-thi-viet-nam-a116208.html, và bài https://www.moitruongvadothi.vn/phan-hoi-tiep-van-ban-cua-tap-doan-ttp-dang-tren-moi-truong-va-do-thi-viet-nam-a116390.html.
Ngoài việc phản hồi đến toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn TTP còn gửi 02 văn bản trên đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng để tiếp tục kiến nghị nội dung các bài viết về Dự án Green Dragon City II.
Sáng ngày 16/2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì buổi làm việc giữa các bên gồm đại diện : Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Cẩm Phả, Tập đoàn TTP và toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam để làm rõ nội dung kiến nghị của Tập đoàn TTP về các bài viết liên quan đến Dự án Green Dragon City II.
Về nội dung các bài viết của Môi trường và Đô thị Việt Nam phản ánh có dấu hiệu lẫn xít thải, than trong VLSL mặt bằng Dự án Green Dragon City II. Tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TTP đã khẳng định: “Tôi khẳng định khi khai thác bóc vỉa bằng máy, do lớp vỉa không phải mỏng và dày như nhau nên khi bóc có than lẫn vào, nên chắc là Tổng công ty than Đông Bắc không thể sàng lọc được nên người ta bỏ đi thôi, và bên tôi chỉ là đơn vị chuyển xuống thôi. Sau khi tôi xin (về sử dụng làm VLSL – PV) thì chắc chắn là có lẫn than, chỉ là lẫn nhiều hay ít thôi”.
Ông Phương tiếp tục khẳng định: “Tôi khẳng định trong khi khai thác lộ thiên, tôi không nói về Tổng công ty Đông Bắc mà tôi là dân kỹ thuật và bản chất là dùng máy để bóc vỉa thì chắc chắn có lẫn than vào trong đó. Tôi cũng khẳng định chắc chắn trên bãi đổ dự án của tôi có than, nhưng nó là bao nhiêu thì trên Đông Bắc (Tổng công ty than Đông Bắc – PV) người ta vứt bỏ đi thì tôi lấy về thôi”.
Với việc ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TTP đã khẳng định chắc như “đinh đóng cột lim” rằng tại mặt bằng Dự án Green Dragon City II có lẫn than, thì rõ ràng nội dung mà toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam phản ánh tại các bài viết về dấu hiệu lẫn xít thải, than tại dự án do Tập đoàn TTP làm Chủ đầu tư là hoàn toàn chính xác.
Và theo nội dung khẳng định trên của ông Phạm Hồng Phương, thì rất có thể Tập đoàn TTP đã biết rõ có than lẫn trong VLSL mặt bằng dự án. Vậy, Tập đoàn này có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh để thống nhất đưa ra các biện pháp xử lý, tận thu nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên than.
Liên quan đến hành vi cấm trong sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã khẳng định với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam rằng: Trong tất cả các văn bản của tỉnh Quảng Ninh đều quy định không được cho lẫn xít,than và những khoáng sản có giá trị vào đó (vật liệu san lấp – PV), nếu họ cố tình để lẫn thì đấy là vi phạm pháp luật. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Tập đoàn TTP có “dính” vào quy định này hay không, câu trả lời chúng tôi xin được nhường lại cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh. Đến đây chúng tôi cũng bác bỏ mọi thông tin cho rằng Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam thông tin không đúng sự thật về dự án của Tập đoàn TTP.
Trong một diễn biến liên quan, cũng tại buổi làm việc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đề nghị đại diện Tập đoàn TTP trao đổi thông tin về việc thực hiện chủ trương cho phép sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL dự Green Dragon City. Ông Phạm Hồng Phương cho biết: Ngoài 3,5 triệu m3 đất, đá thải mỏ làm VLSL cho giai đoạn II của Dự án Green Dragon đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép. Trước đó, từ năm 2019, giai đoạn I chúng tôi cũng được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép sử dụng 1,7 triệu m3 đất, đá thải mỏ làm VLSL và được lấy từ mỏ Tây Lộ trí và Đông Lộ trí.
Khi PV đề nghị được tiếp cận văn bản cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh về việc cho phép Tập đoàn TTP sử dụng 1,7 triệu m3 làm VLSL cho giai đoạn I của dự án. Ông Phương bất ngờ cho biết: Giai đoạn I của dự án, chúng tôi được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chấp thuận chứ không có văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường (?!).
Khi PV thắc mắc, về thẩm quyền cấp phép thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường vậy tại sao tỉnh Quảng Ninh lại là đơn vị cấp phép cho Tập đoàn TTP sử dụng 1,7 triệu m3 trên làm VLSL? Tuy nhiên, nội dung này cả 2 bên thống nhất sẽ làm việc vào một buổi khác. Vì vậy, việc UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Tập đoàn TTP sử dụng 1,7 triệu m3 đất, đá thải mỏ để làm VLSL có đúng thẩm quyền hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ trong thời gian tới.
Nguồn: moitruongvadothi.vn