Để đạt được các mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom; tỷ lệ tái chế rác thải hữu cơ đạt 100% ở đô thị và 70% ở nông thôn.
Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050.
Bên cạnh đề ra các chỉ tiêu trên, Quy hoạch nêu rõ định hướng bảo vệ môi trường. Theo đó, Quy hoạch xác định, ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Cải tạo, nâng cấp, kiểm soát các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Mặc dù, tỷ lệ thu gom vẫn tăng hằng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương còn thấp.
Phần lớn tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm đến 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác tại các địa phương đã ngày càng hạn hẹp.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, công tác tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nguồn lực hạn chế, gây lãng phí nguồn lực kinh tế. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận chất thải rắn xây dựng như là nguồn tài nguyên và cần tái sử dụng một cách hiệu quả.
Theo ông Lê Văn Hợp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khác với các luật trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chậm nhất ngày 31/12/2024, UBND cấp tỉnh phải quyết định việc phân loại cụ thể đối với “chất thải rắn sinh hoạt khác” (loại thứ 3) trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để nâng cao hiệu quả trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cần đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng đơn giản, dễ hiểu thông qua các clip, video đưa lên các chương trình tivi. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết kế điểm lưu giữ thu gom phù hợp.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Trần Hợp Dũng – Phó trưởng ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội cho biết, bên cạnh thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra hành vi vi phạm trong vấn đề về môi trường, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng hành của các dây chuyền công nghệ. Cùng với đó, có các chính sách khuyến khích đầu tư, thâm là có các chế tài xử phạt sai phạm “mạnh tay” hơn…
Nguồn: moitruongvadothi.vn