PV Báo TN&MT có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre xung quanh nội dung quan trọng này.
PV:Xin ông cho biết về những tác động tiêu cực của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian qua?
Ông Trần Ngọc Tam:
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm ở hạ lưu sông Mê Công, tiếp giáp với biển Đông với đường bờ biển dài trên 65km, được hợp thành bởi ba dãy cù lao do phù sa của 4 dòng sông lớn: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền bồi đắp. Tỉnh Bến Tre có cao độ địa hình các vùng đất ven sông, ven biển thấp, cùng với hệ thống sông, rạch, kênh nội đồng dày đặc. Hơn nữa, kinh tế phát triển trên nền tảng sản xuất nông nghiệp là chính nên địa phương được đánh giá rủi ro cao do tác động BĐKH và nước biển dâng.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, dưới tác động của BĐKH, tỉnh Bến Tre đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên tai diễn biến bất thường tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tỉnh. Mặt khác, các đợt triều cường thời gian qua có xu hướng tăng ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hàng chục km đê bao, bờ bao, đường giao thông nông thôn; gây ngập trên 700ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi thủy sản. Triều cường cao kết hợp nước biển dâng dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển gia tăng.
Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 140km; trong đó sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 120km; xói lở bờ biển 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 20km. Mức độ xâm thực bờ sông, bờ biển cũng đang diễn ra mạnh mẽ, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân.
PV:Trước tiêu cực của BĐKH, tỉnh Bến Tre đã có những giải pháp gì để chủ động ứng phó nhằm ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Tam:
Bến Tre nghiên cứu và vận dụng tốt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vào điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó, trọng tâm là tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chủ động rà soát, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên tinh thần chủ động ứng phó BĐKH, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Đồng thời, tỉnh cũng xác định cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng, gắn sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Thời gian qua, Bến Tre nhận được sự quan tâm của Trung ương, các tổ chức quốc tế giúp tỉnh trong ứng phó BĐKH. Tiêu biểu giai đoạn 2010-2015 qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH do Chính phủ Đan Mạch tài trợ; giai đoạn 2015-2020 qua dự án Thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL do Quỹ phát triển nông nghiệp thế giới (IFAD) tài trợ; và các tổ chức khác như WB, JICA,… Ngoài ra, bằng nguồn lực tại chỗ, tỉnh Bến Tre cũng đã nỗ lực để triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, Bến Tre đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2021-2030, bao gồm các mục tiêu về thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia tự quyết của Việt Nam kể từ năm 2021, cũng như hướng đến mục tiêu chung, cam kết của Việt Nam tại COP26 phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
PV:Được biết, Bến Tre định hướng phát triển về hướng Đông với trọng tâm là thích ứng với BĐKH, hướng đến phát triển bền vững. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Trần Ngọc Tam:
Việc chủ động thích ứng với BĐKH, hướng tới phát triển bền vững được quan tâm và triển khai rộng khắp đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Đặc biệt, địa phương có nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng BĐKH nhận được sự hưởng ứng, tham gia của người dân và đã cho kết quả tốt, cải thiện thu nhập cho các hộ tham gia mô hình; đồng thời, các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường như tiết kiệm nước, dự báo, cảnh báo thủy văn, năng lượng tái tạo… bước đầu phát triển và ứng dụng trong cảnh báo, dự báo và giảm phát thải khí nhà kính.
Riêng về tiềm năng, thế mạnh và vai trò, vị thế của kinh tế biển trong hiện tại và tương lai, nhất là địa phương với thế mạnh hơn 65km đường bờ biển để xoay trục phát triển về hướng Đông, chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền để phát triển bền vững địa phương trong trung và dài hạn, Bến Tre đã ban hành Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông với những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội một cách toàn diện.
Thời gian tới, Bến Tre sẽ triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp mang tính đột phá, đồng bộ nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Bến Tre tiếp tục chủ động nâng hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với BĐKH. Đồng thời, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025. Đặc biệt nhất là việc định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: moitruongvadothi.vn