Nhiều đề xuất về khai thác cát lòng sông, cát biển được đưa ra.
Đắn đo giữa “cát biển và cát cồn”
Do sạt lở nghiêm trọng nên có địa phương khu vực ĐBSCL đề xuất cân nhắc việc khai thác cát lòng sông ở những đoạn bị sạt lở. Mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị dừng các hoạt động khai thác cát từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao để phục hồi lòng sông, đánh giá lại quy hoạch khai thác cát ở khu vực này trong thời gian tới. Nguyên nhân dẫn đến kiến nghị này là do qua khảo sát địa hình sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền) liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vào cuối năm 2022 vừa qua, ngành chuyên môn phát hiện các hố xói, lạch sâu từ 28-38m.
Về đề xuất khai thác cát biển để phục vụ xây dựng hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL và TS Dương Văn Ni, chuyên gia nghiên cứu Đại học Cần Thơ, cho rằng không nên khai thác cát biển vì đây là “đôi chân” kiến tạo nên đồng bằng.
Về việc nghiên cứu thử nghiệm cát biển làm đường cao tốc ở ĐBSCL, ông Hà Huy Anh, Giám đốc Quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khuyến nghị: “Tham khảo từ các nghiên cứu quốc tế thì chúng ta cần cẩn trọng khi khai thác cát biển, đặc biệt là vùng gần bờ biển. Nếu khai thác cát biển sẽ tạo điều kiện cho sóng lớn đánh vào bờ biển rất nguy hiểm, bởi bờ biển đang rất yếu do lượng cát đổ ra các cửa biển để bổ sung và bảo vệ cho các bờ biển bồi rất hạn chế và giảm theo thời gian”.
Chính vì vậy, TS Dương Văn Ni đề xuất khai thác cát cồn để làm đường cao tốc vùng ĐBSCL. Cát cồn là vật liệu cung cấp tốt nhất cho các đường cao tốc trong điều kiện cấp bách. Theo đó, phía Viện Khoa học Thủy lợi có thể dùng thiết bị máy móc khảo sát. Đây là nguồn dự trữ cát, tích tụ qua rất nhiều năm, có thể khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp của vùng đồng bằng. Khi sử dụng cát cồn làm đường cao tốc vùng ĐBSCL thì phải có chính sách di dời những hộ dân sống trên đó. Cần tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa của chính sách cũng như việc xây dựng nhà ở trên các cồn và ở gần mé sông là vô vùng nguy hiểm.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có khoảng 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài là 610km. Trong đó, 127 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 127km. Cần có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giữ được hình thái các tuyến sông, hạn chế sạt lở.
Như vậy, cả hai đề xuất khai thác cát biển và khai thác cát cồn đều có “sự đánh đổi giữa cái được và cái mất” của ĐBSCL. Đây thật sự là câu chuyện nóng liên quan đến tính bền vững, tránh làm tổn thương châu thổ miền Tây, nên cần được cân nhắc cẩn thận. Còn trước mắt, rất cần những dữ liệu quan trọng để tiến tới xây dựng ngân hàng cát trên toàn vùng ĐBSCL. Theo đó, đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng; khu vực được khai thác gắn với khối lượng…
Chia sẻ nguồn cát
Đại diện các nhà thầu thi công dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam cho biết: Nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường sử dụng trong năm 2023 và 2024 khoảng 18,5 triệu m3, trong khi hiện nay nguồn cung cấp tại các mỏ ở khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng đủ. Do đó, cần có sự cân đối, ưu tiên phân bổ nguồn vật liệu từ các địa phương có nguồn vật liệu nhằm đảm bảo tiến độ dự án tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau.
Mới đây, một số địa phương nằm trong dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam đã làm việc với tỉnh An Giang để bàn về chuyện khai thác cát phục vụ san lấp, thi công tuyến cao tốc. Lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết: Trữ lượng cát thời gian qua không riêng ở An Giang mà các tỉnh lân cận đều vơi đi do lượng cát thượng nguồn bồi đắp hàng năm không đáng kể. An Giang sẽ phối hợp Bộ TN-MT khảo sát lại toàn bộ các mỏ cát hiện hữu và mỏ cát mới để phục vụ cho việc thi công đường cao tốc, các quốc lộ…; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương lân cận trên nguyên tắc chia sẻ để hoàn thành đường cao tốc như kỳ vọng. Sau khi có kết quả khảo sát, tỉnh sẽ giao 2 mỏ cát cho TP Cần Thơ và Hậu Giang tự khai thác phục vụ thi công… các dự án.
Ông Hà Huy Anh, Giám đốc Quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của WWF-Việt Nam, cho biết: “Dù hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL hiện nay không bền vững, nhưng việc ngưng khai thác cát ngay lập tức là không khả thi, bởi cát sông là đầu vào quan trọng để xây dựng các tuyến cao tốc, tỉnh lộ, san lấp mặt bằng cho các dự án nhà ở, khu công nghiệp…”. Cũng trong đợt khảo sát mới đây của các chuyên gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của WWF-Việt Nam cho kết quả lượng cát từ sông Mê Công khi đổ vào ĐBSCL chỉ còn một ít về hướng sông Tiền, còn sông Hậu chủ yếu là bùn.
Nguồn: moitruongvadothi.vn