Thursday, November 28, 2024

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

U.22 Việt Nam cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện tâm lý thi đấu để tiến xa hơn ở SEA Games 32.

Để đánh giá chiến lược của U.22 Việt Nam tại SEA Games 32, hãy nhìn cách bố trí đội hình xuất phát của HLV Philippe Troussier trong trận gặp U.22 Malaysia. Đó là những cầu thủ mà chiến lược gia người Pháp đã sử dụng ở 2 trận đấu trước đó gặp U.22 Lào và U.22 Singapore. Điều đó đồng nghĩa, ông Troussier không có ý định giấu bài. Ông tung đội hình mạnh nhất ngay ở trận đầu gặp đội yếu nhất, rồi giữ nguyên lực lượng cho các trận tiếp theo.

Ưu điểm trong cách sử dụng nhân sự lặp lại ở chỗ, U.22 Việt Nam dễ định hình lối chơi và duy trì ổn định qua từng trận đấu hơn. Ngoài ra, HLV Troussier cũng có thể đánh giá sự tiến bộ của tổng thể đội hình qua từng trận đấu, rằng vẫn những con người ấy, sơ đồ chiến thuật ấy, liệu sẽ xoay xở thế nào khi gặp những đối thủ với độ khó khác nhau.

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

U.22 Việt Nam vượt mặt U.22 Malaysia trong cơn mưa tầm tã trên sân Prince

NGỌC DƯƠNG

Trong chiến thắng 2-1 trước U.22 Malaysia, U.22 Việt Nam đã thể hiện 2 bộ mặt trái ngược. Đội bóng của HLV Troussier khởi đầu tốt, ghi bàn thắng sớm và kiểm soát thế trận. Tuy nhiên, khi U.22 Malaysia bắt đầu “vào guồng” và ghi bàn rút ngắn tỷ số, U.22 Việt Nam đánh mất thế trận, phải rơi vào thế rượt đuổi. 

Trước hết, U.22 Việt Nam dù giữ một đội hình đá từ trận này qua trận khác, thì vấn đề vẫn nằm ở khoảng trống kinh nghiệm mà cả ông Troussier cùng học trò đang nỗ lực khỏa lấp. Bởi thiếu kinh nghiệm, nên U.22 Việt Nam khó giữ mạch tâm lý ổn định xuyên suốt trận đấu.

Các học trò của ông Troussier đã lăn xả chiến đấu để chống trả áp lực, nhưng chính sự lăn xả ấy xuất phát từ việc U.22 Việt Nam đã tự đẩy mình vào thế khó để rồi phải vắt kiệt sức để bảo toàn thắng lợi.

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

U.22 Malaysia không ngại vào bóng quyết liệt với U.22 Việt Nam

NGỌC DƯƠNG

Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: “U.22 Việt Nam có thể chơi rất “bốc” khi thế trận xuôi theo chiều hướng có lợi. Nhưng khi diễn biến vượt khỏi tầm kiểm soát, các cầu thủ lại lúng túng mắc sai sót. Đơn cử như trận gặp U.22 Lào, các cầu thủ bị tâm lý dẫn đến không đá được theo cách của mình, không thể hiện được năng lực. Đến trận gặp U.22 Singapore, U.22 Việt Nam cũng rất bế tắc, đến khi ghi bàn mới giải tỏa được áp lực và chơi chủ động hơn.

Ở trận gặp U.22 Malaysia, U.22 Việt Nam sớm ghi bàn và chơi chủ động, nhưng khi bị gỡ 1 bàn, các cầu thủ lại lo lắng, để mất thế trận vào tay đối thủ. Các cầu thủ đang thiếu ổn định do vướng nút thắt tâm lý. Hệ thống phòng ngự của U.22 Việt Nam cũng chỉ chơi tốt khi có ưu thế, còn cứ gặp khó khăn là chệch choạc. Vị trí hiếm hoi đang chơi hiệu quả là Văn Tùng”.

Sau trận gặp U.22 Singapore, HLV Troussier từng đề cập đến những yếu tố tạo nên lối chơi kiểm soát, đó là ý thức kỹ chiến thuật bên cạnh sự tự tin của cầu thủ. Muốn chuyền bóng nhuần nhuyễn để giải tỏa áp lực, U.22 Việt Nam phải tự tin cầm bóng đập nhả, rê dắt, giữ được phong thái ung dung để đối chọi với cái đầu nóng của đối thủ. 

Đó là con đường duy nhất để U.22 Việt Nam giữ được nhịp độ chơi bóng theo kiểu “cửa trên” trước hàng ngàn vết cắt mà U.22 Malaysia cố gắng tạo ra để phá mạch chơi của Văn Tùng cùng đồng đội. 

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

Chờ U.22 Việt Nam hoàn thiện tâm lý chiến

Các cầu thủ cần truyền sự tự tin cho học trò

NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, đó là khía cạnh HLV người Pháp không thể dạy học trò, bởi vốn dĩ sức ép trên sân tập và sân thi đấu (hay còn gọi là thực chiến) rất khác nhau. U.22 Việt Nam thiếu thực chiến trong nhiều năm liền các cầu thủ phải ngồi dự bị ở V-League, không được chơi các giải quốc tế. Phải có những trận đấu “tra tấn” thể lực như trước U.22 Malaysia, kinh nghiệm mới dần được bồi đắp. 

Cách duy nhất để sửa, đó là phải đá thật nhiều trận như vậy, rồi tự mình rút ra kinh nghiệm. Bên cạnh sự truyền đạt, ông Troussier để học trò có không gian riêng để tự suy ngẫm. Với các cầu thủ trẻ, vốn có dòng chảy tâm lý và nội tâm bất ổn, việc tự mình “sống sót” qua những trận đấu khó khăn có giá trị hơn bất cứ lời khuyên nào. 

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá: “U.22 Việt Nam đã vào bán kết. Ở trận cuối gặp U.22 Thái Lan, khi không còn chịu áp lực, hãy tận dụng để hoàn thiện cho trận bán kết. Tôi cho rằng các cầu thủ đã định hình lối chơi, có mảng miếng rõ ràng, nhưng còn nhiều điều còn phải chỉnh sửa”.

Suy cho cùng, những thiếu sót ấy chẳng làm giảm giá trị chiến thắng của U.22 Việt Nam, bởi đó là những đau đớn, sai lầm khó tránh của một đội tuyển trẻ đang từng bước định hình cá tính. Điều quan trọng là cầu thủ phải tự mình vượt khó để chứng tỏ “vàng thật không sợ lửa”, không bị áp lực chôn vùi. Cứ cố gắng từng bước để tiến bộ hơn, và thật may mắn bởi như lời HLV Troussier đã chia sẻ thì dù có khó khăn đến mấy, số phận vẫn đang đứng về U.22 Việt Nam.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img