Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, chiều 4/7.

Xuất siêu 6 tháng đạt 12,25 tỷ USD

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đánh giá, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đã có hiệu quả rõ nét với nhiều số liệu tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước.

Trong đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy. Các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm, chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Cụ thể, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần. Tăng trưởng phục hồi, GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn mức tăng của quý I (3,32%), tính chung 6 tháng tăng 3,72%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định. Lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%).

Xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại. Đơn cử, tháng 6 xuất khẩu tăng 4,5%, nhập khẩu tăng 2,6% so với tháng 5, xuất siêu 2,59 tỷ USD. Quý II xuất khẩu tăng 2,9%, nhập khẩu tăng 2,6% so với quý I. “Tính chung 6 tháng Việt Nam xuất siêu 12,25 tỷ USD. Thu NSNN 6 tháng 876.000 tỷ đồng, đạt 54% dự toán năm”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Xuất siêu 6 tháng đạt 12,25 tỷ USD

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trở lại, Quý II tăng 1,56% (Quý I giảm 0,75%).

Tính chung 6 tháng tăng 0,44% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ giữ mức tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ. Thu hút khách quốc tế tháng 6 tháng đạt 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, quý II cao hơn quý I. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II tăng 5,5% (quý I tăng 3,7%), tính chung 6 tháng tăng 4,7%. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216.000 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65.000 tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

“Trong 6 tháng, có 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, như vậy tổng số có 113.600 doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn so với 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý. Trong đó, nổi lên là tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản đề ra (3,72%), với 4 địa phương tăng trưởng âm.

Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU và nhiều nước khác tiếp tục thắt chặt và khó dự báo. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.