Liên minh châu Âu lo ngại các video giả mạo do trí tuệ nhân tạo làm ra sẽ làm rối loại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra vào giữa năm sau.
Không thể lường trước được phản ứng của cử tri, nếu ngay sát trước ngày bầu cử xuất hiện hình ảnh và âm thanh giả mạo một tuyên bố hay một hành động không có thực của ứng cử viên. Chính vì vậy, Nghị viện châu Âu đã nỗ lực thông qua Đạo luật trí tuệ nhân tạo trước khi kết thúc nhiệm kỳ này.
Trí tuệ nhân tạo nay đã có thể tạo ra một video hoàn toàn giả mạo, hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động, như thật. Không quá khó nếu muốn đánh lừa người xem rằng một chính trị gia vừa tuyên bố điều này điều kia. Thật thật giả giả, mắt thấy tai nghe vẫn chưa chắc đã là có thực. Cơ quan An ninh mạng thuộc Ủy ban châu Âu cảnh báo, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào giữa năm sau sẽ phải đối mặt với rủi ro máy tính được huy động tham gia tranh luận về chính trị, cũng như nguy cơ từ các bức ảnh và video giả mạo.
Bà Vera Jourova – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho rằng: “Đây thực sự là mối nguy rất lớn. Chúng tôi yêu cầu phải thông báo rõ ngay từ đầu, với mọi nội dung từ trí tuệ nhân tạo để mọi người biết đó không phải do con người tạo ra. Tranh cử phải là tranh luận của người thật, chứ không phải bằng những cách mờ ám hoặc dựa vào robot”.
Trong hai cuộc bầu cử năm nay, tại Ba Lan và tại Slovakia đã xuất hiện những đoạn âm thanh do trí tuệ nhân tạo làm ra, giả giọng một số chính trị gia nổi tiếng. Mạng xã hội thường phản ứng tức thì, sẽ ra sao nếu một video giả mạo lan truyền trong thời điểm sát trước bầu cử? Nếu trí tuệ nhân tạo được sử dụng để tranh cử trên mạng xã hội, ai mà tranh luận được nhiều và nhanh như robot? Cơ quan An ninh mạng châu Âu cho biết, có ba cách phổ biến mà tin tặc lạm dụng trí tuệ nhân tạo để đánh lừa, bao gồm tạo ra email và tin nhắn lừa đảo, khai thác dữ liệu cho mục đích xấu và tạo ra giọng nói hình ảnh giả mạo.
Ông Brando Benifei – Báo cáo viên về dự thảo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo châu Âu nói: “Trí tuệ nhân tạo có thể dễ dàng tạo ra deepfakes, vì vậy phải có quy định rõ ràng đối với các video deepfakes mô tả một người làm những việc mà trên thực tế người đó không làm, phải bắt buộc gắn nhãn vào mọi nội dung không có thực do máy tính tạo ra”.
Đầu tháng này, Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc đối với trí tuệ nhân tạo, nền tảng của một đạo luật trong tương lai. Đạo luật sẽ cấm tuyệt đối các nội dung do trí tuệ nhân tạo làm ra có tính chất phỉ báng hoặc xuyên tạc, tác động vào lựa chọn của cử tri. Nhưng dù luật có chặt thế nào đi nữa, thì niềm tin nay đã lung lay. Thế giới bước vào giai đoạn hoang mang, nghi ngại cả hình ảnh âm thanh tai nghe mắt thấy, do không biết hư thực ra sao.
Nguồn: vtv.vn