Tuesday, April 30, 2024

“Chào sông Mã anh hùng” – khúc tráng ca về Hàm Rồng

Nhạc sĩ Xuân Giao viết ca khúc “Chào sông Mã anh hùng” năm 1967 khi ông đã tích tụ, dồn nén đến tràn đầy những hồi tưởng, những cảm xúc về mảnh đất và con người Thanh Hóa với biểu tượng dòng sông Mã bình dị mà anh hùng.

Nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932, quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên nhưng ông lại trưởng thành ở đất Kiến An, Hải Phòng. Nhạc sĩ Xuân Giao từng kể: “Thời học phổ thông, ông học giỏi văn nên được các thầy cô giáo yêu quý và thường xuyên có mặt trong các tổ làm báo tường. Vốn ưa hoạt động, Xuân Giao gia nhập hướng đạo sinh, tại đây ông đã gặp nhạc sĩ Hoàng Quý lúc đó là huynh trưởng Hướng đạo sinh Hải Phòng. Đây cũng là người thầy đầu tiên và ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ sau này”.

Năm 1949 ông gia nhập quân đội và quân đội chính là môi trường giúp ông phát triển tài năng. Nhạc sĩ Xuân Giao từng là học viên, quân số thuộc đại đội C510 Khóa VI (1950-1952) Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1961 ông chuyển về Nhà xuất bản âm nhạc làm cán bộ biên tập. 

Thời kỳ ông công tác ở đoàn Văn công Tổng cục chính trị, từ một ca sĩ của Đoàn, ông đến với sáng tác một cách tự nhiên sau những chuyến đi thực tế…

“Chào sông Mã anh hùng” – NSND Trung Kiên

Những năm miền Bắc bị bom Mỹ phá hoại, cùng với nhiều nhạc sĩ, nhạc sĩ Xuân Giao đã đến với Hàm Rồng là nơi bị đánh phá ác liệt nhất. Nhạc sĩ Xuân Giao đã tận mắt chúng kiến sự hùng vĩ của sông Mã và những con người Xứ Thanh kiên cường giữ gìn từng tấc đất quê hương, bảo vệ huyết mạch giao thông của Tổ quốc. Sau chuyến đi ấy, cầu Hàm Rồng đã trở thành một biểu tượng của sự bất khuất và là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ trong đó có nhạc sĩ Xuân Giao khi nhạc sĩ viết liền một mạch ca khúc “Chào sông Mã anh hùng”.

“Ta chào sông Mã kiên cường đời đời/ Chào cô dân quân giữ quê nhà/ Cho thuyền lướt trên trời thu trong xanh ơi/ Đất quê anh hùng vùi chôn nơi đây bao xác giặc Mỹ…” Chuyến đi ấy, ông cũng cho ra đời một ca khúc rất hay về những cô gái Thanh niên xung phong, đó là ca khúc “Cô gái mở đường” với những ca từ: “Đêm đã về khuya sương rơi ướt áo/Tiếng hát em vẫn vọng núi rừng/Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng/Em vẫn mở đường để xe tiến bước/Yêu biết bao cô gái đang ngày đêm mở đường/Rừng trăm hoa thắm nở chẳng có hoa nào bằng”…

Nhạc sĩ Xuân Giao viết ca khúc “Chào sông Mã anh hùng” năm 1967 khi ông đã tích tụ, dồn nén đến tràn đầy những hồi tưởng, những cảm xúc về mảnh đất và con người Thanh Hóa với biểu tượng dòng sông Mã bình dị mà anh hùng. Dẫu vậy ông đã chọn một âm hưởng thân thuộc của một điệu hò Thanh Hóa, gợi mở một hình ảnh hạ lưu sông Mã hiền hòa mà ngầm xiết chảy những yêu thương, trìu mến. Bài hát mở đầu đằm thắm một tình quê, tình người thấm thía, dịu ngọt. 

“Chờ gió lên đưa thuyền về xuôi/ Đôi bờ sông Mã lá hoa khoe màu”…

Cảm nhận về ca khúc “Chào sông Mã anh hùng”, bạn yêu nhạc Lê Anh Xuân đã viết: “Tôi rất yêu thích bài hát này. Giai điệu hay, hào sảng, nghe như vẳng đâu đây hào khí tưng bừng, vui tươi của một thời quân và dân ta cùng kề vai sát cánh hăng hái tăng gia sản xuất, ngày đêm canh giữ, bảo vệ an toàn cho cây cầu Hàm Rồng – huyết mạch giao thông quan trọng đưa phương tiện người, lương thực… từ Bắc vào Nam, chi viện, phục vụ cho chiến trường Miền Nam”.

Một bạn nghe khác giấu tên chia sẻ những cảm nhận “…nhạc sĩ Xuân Giao và NSND Trung Kiên đã mang dòng sông Mã cùng nắng chiều đến với tôi hay mang tôi đến bên dòng sông lá hoa khoe màu, quê nhà mến yêu… thật khó phân biệt, chỉ có điều cảm giác như được sống lại với những cảm xúc da diết, mênh mang xen lẫn tự hào của những năm tháng đã qua…”

Đoạn giữa của “Chào sông Mã anh hùng” với giai điệu nhanh hơn, dồn đẩy mang sắc thái khỏe khoắn, tự tin và lạc quan không chệch ra khỏi âm hưởng dân ca trữ tình của toàn bài. Nét nhạc thực sự đã khắc họa thêm khí phách sông Mã, khí phách Thanh Hóa của một thời đạn bom.

Sóng vỗ mái chèo, làng thôn quê ta khuất xa trìu mến/Hỡi sông quê nhà, hỏi sông nơi đây có bao anh hùng/Các anh các chị tuổi xuân đôi mươi cánh tay luyện thép/Đánh giặc đêm ngày, đạn bom không ngăn tiếng ca yêu đời (hò ơ dô khoan).

“Chào sông Mã anh hùng” vào đoạn kết ca từ có vẻ rắn rỏi nhưng giai điệu của nó thực chất vẫn trọn vẹn âm hưởng trữ tình của điệu hò đã được khởi đầu và dường như còn vang mãi cả khi bài hát đã khép lại ở câu hò cuối cùng.

“Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng,/Soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang (ơ)/Ơi quê ta bao yêu thương,/Vang nước sông tiếng hát anh hùng (ơ). Hùng vĩ đứng bên Hàm Rồng đó/Cau chuối bờ Nam Ngạn tươi xanh (ơ)/Tên cô dân quân hiên ngang,/Mãi mãi vang cùng sông Mã anh hùng (ơ)/Hò ơi ơ ớ dô khoan, ơ ớ dô khoan”.

“Chào sông Mã anh hùng”, bài hát mang đậm hơi thở một điệu hò sông Mã đã trở thành một bài hát hay và điển hình in rõ dấu ấn, khí phách không phai mờ của một thời đạn bom xen giữa thanh bình và khói lửa trên mảnh đất này.

Năm 1979 ca khúc “Chào sông Mã anh hùng” được lấy làm nhạc hiệu cho Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh Thanh Hóa. Cho đến nay giai điệu “Chào sông Mã anh hùng” đã quen thuộc với người dân tỉnh Thanh Hóa, còn nhạc sĩ Xuân Giao cũng đã coi Thanh Hóa là quê hương thứ hai của mình. Tôi được biết, trong gia đình nhạc sĩ Xuân Giao có một bình hoa được làm bằng vỏ đạn 57 ly, đây là chiếc vỏ đạn quê hương Thanh Hóa đã trao tặng ông và được nhạc sĩ giữ như một kỷ vật thiêng liêng.

Với những ca khúc “Chào sông Mã anh hùng”, “Cô gái mở đường”, “Giữ biển trời Vĩnh Linh, Quảng Bình”, “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, nhạc sĩ Xuân Giao được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1-năm 2000. Cùng với nhiều giải thưởng khác và sự yêu mến của công chúng dành cho những sáng tác của ông đã là quà tặng, sự ghi nhận vô giá với nhạc sĩ Xuân Giao.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img