>> “Làn sóng” ô tô Trung Quốc tiếp tục tràn sang Việt Nam

Dư thừa sản lượng

Theo nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam, các cảng biển châu Âu đang biến thành những “bãi đỗ xe” với lượng ô tô nhập khẩu chất đống. Tình trạng ứ đọng xe điện Trung Quốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra vấn đề này. Tất cả các cảng ô tô lớn tại châu Âu đều đang vật lộn với tình trạng ùn tắc. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã sử dụng các cảng như “bãi đỗ xe” từ 18 tháng qua.

Ách tắc tại các cảng ô tô, diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như: BYD, Great Wall, Chery và SAIC đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Theo giới chuyên gia, với mức độ sản xuất dư thừa rất lớn, Trung Quốc có thể “nghiền nát” ngành công nghiệp ô tô châu Âu, với giá bán thấp đến mức không ai cạnh tranh nổi.

Dư thừa sản lượng, xe điện Trung Quốc khó bỏ qua thị trường Việt Nam

Ô tô Trung Quốc xuất khẩu, (Nguồn TTXVN)

Không chỉ tràn sang châu Âu, khu vực Đông Nam Á cũng là mục tiêu mở rộng thị trường của các hãng ô tô Trung Quốc. Tại Triển lãm Ô tô quốc tế Bangkok (BIMS) vừa diễn ra, điểm khiến khách tham quan chú ý là sự hiện diện dày đặc của các thương hiệu xe Trung Quốc. Đó là SAIC (Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải), BYD, Great Wall Motor (GWM), Changan, Xpeng, Zeekr (thương hiệu xe điện của Geely), Neta (thương hiệu xe điện thuộc công ty ôtô Hozon), Aion thương hiệu xe điện của Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC).

Khu vực Đông Nam Á vốn là thị trường truyền thống của các hãng xe Nhật Bản, nhưng đang bị các hãng xe đến từ Trung Quốc “gậm nhấm” dần, nhất là với xe điện. Năm 2023, phân khúc xe điện tại thị trường Thái Lan đạt doanh số bán 76.314 xe, thì phần lớn là xe Trung Quốc. Xe Trung Quốc chiếm tới 87% thị phần xe điện bán ra tại Thái Lan. Trong số 15 mẫu xe điện bán chạy nhất Thái Lan, có tới 13 mẫu xe tới từ Trung Quốc.

Indonesia cũng tương tự. Tại Indonesia, xe điện giá rẻ Trung Quốc cũng tràn ngập. Những gì đang diễn ra ở Thái Lan và Indonesia cũng có thể diễn ra ở những thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Các hãng xe Nhật Bản từng “làm mưa làm gió” tại Đông Nam Á trong nhiều năm, đang phải chứng kiến cảnh xói mòn thị phần vì xe điện giá rẻ Trung Quốc.

Các tập đoàn Trung Quốc không chỉ xây nhà máy tại Thái Lan hay Indonesia mà họ còn xuất khẩu xe điện sang thị trường này. Dư thừa sản lượng, càng khiến Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các nhà máy xe điện nội địa, tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài.

Tiến vào Việt Nam

Các hãng xe Trung Quốc sẽ không bỏ qua thị trường Việt Nam. Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường ô tô Việt Nam đến 2030 đạt 1 triệu xe/năm và sau năm 2035 sẽ đạt 1,8 triệu xe/năm. Không những thế theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2040, sẽ hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, nhu cầu về ô tô điện sẽ tăng mạnh, thị trường rất tiềm năng, điều này trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như: AFTA, EVAFTA, CPTPP… Đây là cơ hội, để xuất khẩu xe sang châu Âu, Bắc Mỹ… hưởng ưu đãi thuế 0%.

Dư thừa sản lượng, xe điện Trung Quốc khó bỏ qua thị trường Việt Nam

Mẫu xe điện Atto 3 trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy BYD ở Thái Lan, dự kiến sẽ xuất khẩu sang Việt Nam trong năm nay. (Nguồn BYD)

Xuất khẩu xe nguyên chiếc từ Trung Quốc sang Việt Nam, hiện phải chịu thuế phí cao thì sản xuất tại Indonesia hay Thái Lan xuất khẩu sang. Nhà máy của tập đoàn ô tô BYD đầu tư tại Thái Lan, đi vào hoạt động trong tháng 4/2024, dự kiến có 3 mẫu xe điện sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam ngay trong năm nay. Do chi phí sản xuất và thuế phí cao, nên mặt bằng giá ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia. Khi xuất khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia sang Việt Nam, sẽ rất có lợi thế, bởi sản xuất ở một nơi có chi phí thấp và bán ở nơi có giá cao. Ngoài được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, xe điện còn được hưởng các chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 3% và miễn lệ phí trước bạ của Chính phủ Việt Nam, vì vậy càng có lợi. Khi xe điện Trung Quốc tràn vào nhiều, sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lao đao.

Với các hãng xe Trung Quốc đầu tư nhà máy tại Việt Nam, thường sẽ kéo các nhà cung cấp linh kiện cùng vào. Khi các doanh nghiệp Trung Quốc tạo ra chuỗi cung ứng riêng, sẽ khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó có cơ hội phát triển. Như vậy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho biết, đang có “làn sóng” đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam, với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết. Đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “chậm lớn” và mãi cứ loay hoay hướng đi, giờ đây còn phải đối mặt với doanh nghiệp hỗ trợ Trung Quốc đang lớn mạnh tại Việt Nam.