Friday, May 3, 2024

Hóa đơn điện nóng theo thời tiết

Tháng 4 đã trôi qua 2/3 thời gian với nhiều ngày nắng nóng kỷ lục. Phập phồng nhất lúc này lại là hóa đơn tiền điện khi số tiền phải trả gần như chắc chắn sẽ “nóng” tỷ lệ thuận với thời tiết.

Hóa đơn tiền điện tháng 4 liệu có vượt kỷ lục?

Cho đến hôm nay (20.4), những ngày nắng nóng gay gắt vẫn chưa kết thúc dù vài nơi ở miền Tây và khu vực Tây nguyên có lác đác những cơn mưa trái mùa. Trong nửa đầu tháng 4, theo ghi nhận, Nam bộ có đến 5 lần nắng nóng vượt mốc lịch sử. Ngày 9.4, nhiệt độ cao nhất tại một số nơi đã lên đến 40 độ C, cao hơn mức lịch sử 1 độ C. Các ngày sau đó, nhiều nơi cũng xấp xỉ 39 độ C. Đó là mức nhiệt độ đo được của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, còn nhiệt độ cảm nhận phải cộng thêm 2 – 4 độ C nữa. Riêng tại TP.HCM, đô thị có nhiều tòa nhà cao tầng và mức độ bê tông dày, nhiệt độ cảm nhận phải cộng thêm 4 – 5 độ C.

Nắng nóng kéo dài, hóa đơn tiền điện tháng 4 có thể tăng mạnh

Nắng nóng kéo dài, hóa đơn tiền điện tháng 4 có thể tăng mạnh

Đào Ngọc Thạch

Thế nên, trong ngày 9.4, sản lượng tiêu thụ điện tại TP.HCM chính thức vượt đỉnh năm ngoái, tiến sát mốc 98 triệu kWh, cao hơn mức đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh vào ngày 6.5) gần 3 triệu kWh. Đây cũng là mức tiêu thụ điện hằng ngày cao nhất từ trước đến nay tại TP. Ngày 19.4, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết sản lượng điện tiêu thụ trong tháng tính đến 18.4, chưa có ngày nào vượt đỉnh theo ghi nhận vào ngày 9.4 vừa qua. Thế nhưng, trong nửa đầu tháng 4, song song với những ngày nắng nóng vượt lịch sử, tiêu thụ điện tại TP.HCM liên tục lập đỉnh. Chẳng hạn, ngày 3.4, tiêu thụ toàn TP lên đến 95,12 triệu kWh, ngày 5.4 lên 96,89 triệu kWh… Tương tự, tại Đồng Nai, trong những ngày nắng nóng vừa qua, công suất đỉnh theo ghi nhận của Công ty Điện lực Đồng Nai là 2.405 MW lúc 15 giờ 30 ngày 12.4. Trong 3 tháng đầu năm, riêng sản lượng điện sinh hoạt tại tỉnh này tăng ở mức chưa từng thấy, hơn 18,59% so cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nói, từ ngày mai (21.4), theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, nắng nóng gia tăng cường độ trên cả nước do áp thấp nóng Ấn – Miến ở phía tây tăng mạnh sang phía đông, ảnh hưởng trực tiếp đến VN. Đến cuối tháng 4, những cơn mưa chuyển mùa cũng bắt đầu xuất hiện rải rác một vài nơi. Điều này đồng nghĩa với cường độ nắng nóng tại khu vực phía nam có thể giảm. Tuy vậy, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, khẳng định: “Dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới của tháng 4, thậm chí sang tháng 5 sẽ tiếp tục tăng thêm 30 – 40%. Tổng sản lượng tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể đạt từ 99 – 100 triệu kWh mỗi ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900 MW”.

Ông Kiên dẫn chứng tính đến ngày 19.4, sản lượng điện tiêu thụ trung bình trong tháng 4 đều trên mốc 90 triệu kWh/ngày, hầu hết các ngày đều từ 92 – 93 triệu kWh/ngày. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong tháng 3 trung bình 87 – 90 triệu kWh. Ngoài ra, tháng 3 có 31 ngày còn tháng 4 chỉ có 30 ngày, trong đó có nhiều ngày nghỉ lễ… song dự báo hết tháng, hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng so với tháng 3.

Dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới của tháng 4, thậm chí sang tháng 5 sẽ tiếp tục tăng thêm 30 – 40%.

Tổng sản lượng tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể đạt từ 99 – 100 triệu kWh mỗi ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900 MW.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC

Nhiều hộ phập phồng tính tiền điện trước

Ngày 19.4, chị Nguyễn Hoàng (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết trong tháng 3, lượng điện dùng của gia đình tăng 43% so với tháng 2 nhưng ngày tiêu thụ điện cao nhất của gia đình cũng chỉ lên đến 14,25 kWh. Trong khi đó, theo dõi diễn biến tiêu thụ điện trong 19 ngày của tháng 4 cho thấy số ngày sử dụng điện “vượt đỉnh” cao hơn tháng trước rất nhiều. Chẳng hạn, ngày sử dụng điện cao nhất trong tháng 4 của gia đình chị là 7.4 với 20,65 kWh; trước đó, ngày 6.4 cũng hết 15,3 kWh; ngày 13.4 sử dụng hết 15,6 kWh… Đồng nghĩa với hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao.

Tương tự, chị Nguyễn Mai Dương (H.Nhà Bè, TP.HCM) theo dõi điện năng sử dụng trung bình ngày trong tháng 4 (tính đến 18.4) của gia đình và nhận thấy mức tăng khoảng 17% so với tháng 3. “Trong tháng này, có nhiều ngày lượng điện dùng trong gia đình tăng vọt gần gấp rưỡi so với ngày dùng điện cao nhất của tháng trước. Gia đình tôi sống khu vực khá mát mẻ, gần sông Rạch Đĩa, có những ngày cuối tuần còn không mở quạt. Thế nhưng, từ đầu tháng 4 đến nay thì máy lạnh suốt ngày đêm. Hơi nóng phả vào nhà không chịu nổi. Chắc chắn hóa đơn tiền điện tháng này cũng “lập đỉnh” theo thời tiết quá”, chị Mai Dương vừa mở app EVNHCMC tra cứu sản lượng điện sử dụng vừa cho biết.

Sản lượng điện sinh hoạt tăng khiến số hộ phải đóng tiền điện theo bậc 6 tiếp tục tăng. Dự báo của điện lực TP.HCM trong tháng 3 là nhóm khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình tăng gần 15%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng từ thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30% (trước đó chỉ khoảng 20%). Đặc biệt, sản lượng điện sản xuất theo EVNHCMC và Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết tăng mạnh, nghĩa là hóa đơn tiền điện của doanh nghiệp dự kiến trong tháng này cũng tăng mạnh.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định: Điện chưa bao giờ hết nóng trong bối cảnh hiện nay. Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ngày mỗi tăng. Trong khi đó, các chính sách liên quan phát triển nguồn để có giá điện tốt nhất, nguồn điện sạch, an toàn theo chiến lược chuyển dịch năng lượng lại được triển khai khá chậm.

“Tại khu vực phía nam, trong những ngày nắng nóng này, nếu cho phép người dân làm điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) chia sẻ nguồn với hàng xóm, áp lực trả hóa đơn tiền điện tăng có thể giảm bớt. Tương tự, trong các khu công nghiệp, nếu phát triển mạnh và cho phép các nhà xưởng làm ĐMTMN có thể bán trong khu công nghiệp sớm, đồng thời làm mát nhà xưởng; tạo nguồn điện chủ động cho các nhà sản xuất, giảm áp lực trả chi phí điện tăng đột biến”, ông Việt ví dụ và dẫn chứng, ngay tại phía bắc, khảo sát Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) và TEPCO (doanh nghiệp Nhật Bản), cho thấy hoạt động kinh doanh chính là bán điện trong khu công nghiệp. Hiện tại, Khu công nghiệp này đang triển khai 3 dự án ĐMTMN có tổng công suất 3 MW. Năm 2023, các dự án này giúp giảm khoảng được 10 tỉ đồng. Riêng ĐMTMN đã tiết kiệm được 6,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nếu các khu công nghiệp mua trực tiếp từ các nhà đầu tư điện mặt trời hoặc tự đầu tư ĐMTMN sẽ giảm 15% so với mua trực tiếp bằng giá bán lẻ của EVN. “Mức khảo sát từ doanh nghiệp là giảm 15%, gần đây, có nhiều chuyên gia tính toán có thể giảm gần 30% so với giá điện của EVN. Như vậy, nếu chính sách cho mua bán trực tiếp ĐMTMN đến thẳng người dùng sẽ giúp giảm chi phí điện năng tương đối lớn”, TS Việt chia sẻ.

Ngành điện khuyến cáo nắng nóng kéo dài sẽ khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao. Do nắng nóng, người dân chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 – 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img