Một trong những khâu quan trọng nhất liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh là chuyển đổi năng lượng. Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành yêu cầu, là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của Việt Nam. Nước ta cũng thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió,…

Chuyển đổi năng lượng xanh cho phát triển kinh tế xanh

Một trong những khâu quan trọng nhất liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh là chuyển đổi năng lượng.

Dự kiến, Luật Điện lực sẽ được nghiên cứu và lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới đây, điều khiến dư luận băn khoăn là những điều chỉnh nào sẽ được đưa ra trong dự Luật để phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khẳng định, năng lượng được xem là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng từ các dạng năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch thì chúng ta sẽ không thể thành công trong quá trình chuyển đổi xanh”, ông Cường nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, Luật Điện lực lần này phải hướng đến điều chỉnh các quan hệ, trong đó phải làm sao thực sự tạo ra một khuôn khổ pháp lý khuyến khích, thúc đẩy tạo ra các nguồn năng lượng sạch. Bên cạnh đó, cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc cho việc sử dụng những nguồn năng lượng không tiết kiệm, gây ra phát thải, ô nhiễm.

Tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ ban hành mới đây cũng ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

“Đây sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam vì vấn đề then chốt của quá trình này vẫn là chuyển đổi năng lượng. Nếu chúng ta thực hiện tốt Quy hoạch Điện VIII sẽ là cơ sở vững chắc nhất để chúng ta thực hiện thành công chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh”, GS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Khẳng định doanh nghiệp đồng hành với mục tiêu tăng trưởng nguồn năng lượng xanh này, ông LIM Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, một trong những tiêu chí khi UOB xem xét hồ sơ cho vay là bên vay có các biện pháp nhằm giảm phát thải carbon 14-16%.

Trong quá trình chuyển đổi xanh, ông Chang cho rằng thương mại và đầu tư là một trong những cấu phần then chốt. Hiện tại, UOB đang tìm kiếm cơ hội để hỗ trợ các dự án theo chương trình nghị sự quốc gia của Việt Nam, như Quy hoạch điện VIII đã được công bố.

Chuyển đổi năng lượng xanh cho phát triển kinh tế xanh

Thực hiện tốt Quy hoạch Điện VIII sẽ là cơ sở vững chắc nhất để chúng ta thực hiện thành công chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.

“Những sáng kiến như thế này nhằm thúc đẩy thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là những bước tích cực để thu hút thêm nhà đầu tư vào mục tiêu phát triển bền vững”, vị đại diện UOB nhận định.

Trên cơ sở những phân tích trên, ông Chang kiến nghị các nhà chức trách cần có cách tiếp cận một cách tổng thể và sáng tạo cho một nền tảng hạ tầng cho doanh nghiệp startup để thiết lập một hệ sinh thái xanh và bền vững tại Việt Nam. Cùng với đó là thúc đẩy giáo dục và đào tạo theo mục tiêu sáng tạo, bền vững, đồng thời thúc đẩy hợp tác công-tư hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.