Theo báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 4 đã thu về hơn 4,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam chiếm 13% thị phần toàn cầu điện thoại thông minh

4 tháng đầu năm xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 18,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với 4 tháng năm 2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 18,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với 4 tháng năm 2023, tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 2 chỉ sau máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Hiện, điện thoại thông minh của Việt Nam chiếm 13% thị phần trên toàn cầu.

Trong đó, Hoa Kỳ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về mặt hàng này. Theo đó, chỉ trong quý I/2024, thị trường này đã chi hơn 3,05 tỷ USD nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 2,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã vươn lên trở thành khách hàng lớn thứ 3 của Việt Nam với 897.984 USD, tăng mạnh 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các “ông lớn” điện thoại trên toàn thế giới. Gần đây, ngày 15/4, CEO của Apple, Tim Cook đã đến  Việt Nam. Chuyến đi này được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho Apple tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn cả trong sản xuất và phát triển công nghệ. 

Cũng trong tháng 4, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) – nhà máy sản xuất điện thoại định hướng xuất khẩu lớn nhất của Samsung trên toàn cầu đã đạt được cột mốc quan trọng là chạm mốc 1 tỷ chiếc smartphone Galaxy được sản xuất tại đây…

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nhóm hàng điện tử, máy tính, linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam.

“Đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là con đường rất dài để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple, vốn được đánh giá là tân tiến, hiện đại trên thế giới”, bà Hương nói.

Nguyên nhân, một mặt là do các tập đoàn thường có một chuỗi cung ứng đi theo. Mặt khác, muốn trở thành mắt xích trong chuỗi thì doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy.

“Như vậy, cơ hội có nhưng nắm bắt được hay không thì còn phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam”, bà Hương bày tỏ.

Bởi, hiện nay nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao làm việc trong ngành điện tử vẫn đang là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải. Điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước bị “yếu thế” hơn so với doanh nghiệp nước ngoài.