Tuesday, May 21, 2024

Làm nông thức thời: Thức thời như ông Năm Đấu

Mô hình làm nông nghiệp của lão nông 77 tuổi Năm Đấu (tên thật Lê Văn Đấu) ở xã Phú Thành A, H.Tam Nông, Đồng Tháp là mô hình khác với nhiều người.

Trong khi thiên hạ hầu hết trồng các giống lúa mới cho năng suất cao, thì ông Năm Đấu âm thầm nhân giống lúa có năng suất thấp hơn từ một bụi lúa như từ “trên trời rơi xuống” cánh đồng rặt giống lúa tài nguyên của ông. Sau đó, ông mở rộng trồng giống lúa này ra trên chục ha và chế biến gạo của nó thành những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Bụi lúa huyết rồng “thần thánh”

Trước khi nói về bụi lúa “thần thánh” làm nên sự nghiệp của ông Năm Đấu, phải nói một chút về cuộc đời “lên bờ, xuống ruộng” của lão nông này. “Xuất thân tôi nghèo lắm. Rất nghèo. 13 tuổi đã đi khắp nơi cắt lúa, làm cỏ thuê cho người ta để kiếm miếng cơm”, ngồi bên bờ ruộng, ông Đấu tua ngược cuộc đời mình.

Lão nông Năm Đấu đi thăm cánh đồng trồng giống lúa huyết rồng “thần thánh”

Lão nông Năm Đấu đi thăm cánh đồng trồng giống lúa huyết rồng “thần thánh”

QUANG VIÊN

Sau năm 1975, ông Đấu được cấp đất trồng lúa nhưng cũng không đủ nuôi vợ con. Bỏ nghề nông, Năm Đấu mở tổ hợp làm đồ nhôm, cũng không “ngóc đầu” lên được. “Bại sản vì nghề nhôm, tôi quay lại nghề nông chuyên cần hơn và chạy theo bà con, họ làm giống gì tôi làm giống đó. Chẳng hạn Đài thơm, tài nguyên, 108… Nhưng cảnh được mùa mất giá là điệp khúc của nhà nông, nên cuộc sống vẫn bấp bênh, chán nản vô cùng”, ông Đấu trút bầu tâm sự.

Lão nông Năm Đấu rất vui khi Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm

Lão nông Năm Đấu rất vui khi Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm

NVCC

Nhiều đêm ông Đấu nghĩ làm nông nghiệp với tư duy an phận thì muôn đời không khá lên được. “Tôi muốn tìm giống lúa gì đó thật độc đáo để trồng nhưng nghĩ chưa ra”, ông Đấu thổ lộ. Một ngày đẹp trời, ông phát hiện ra một bụi lúa cao hơn tất cả lúa mọc trong đồng ruộng của mình. Bông của bụi lúa này cũng lớn và nhiều rẽ. Chờ đến khi bụi lúa lạ (người dân thường gọi là lúa cơi hoặc lúa lẫn) chín, lão nông bóc hạt lúa và bẻ đôi thì phát hiện không chỉ vỏ lụa trên hạt gạo màu đỏ mà cả ruột hạt gạo cũng đỏ. Lúc đó ông nhớ lại câu chuyện về sự tích giống lúa huyết rồng ở vùng ĐBSCL. Chuyện kể rằng, mỗi nhánh của dòng sông Cửu Long có một con rồng nhân từ cư ngụ, nó ban cho giống lúa quý, vị ngọt bùi, tốt cho sức khỏe và che chở người dân.

Ngay sau đó, ông mày mò tìm trên mạng để hiểu thêm về giống lúa này thì được biết giống lúa huyết rồng có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. “Tôi mừng như được vàng. Tôi quyết tâm nhân giống để mở rộng dần diện tích canh tác giống lúa quý này”, ông Đấu nói.

Ông Đấu kể bụi lúa huyết rồng “trời cho” đầu tiên này chỉ thu hoạch được một chén lúa. Chén lúa giống này ươm thành mạ và sau đó cấy chỉ được 10 m2. Nhưng nhờ 10 m2 đó đã có đủ lượng giống để cấy trên 700 m2. Cứ thế mỗi năm diện tích độc canh giống lúa huyết rồng của ông Năm Đấu dần dần tăng lên, nhờ có giống năm sau nhiều hơn năm trước. Bây giờ, ông Đấu có riêng 10 ha và 5 ha của người con trồng toàn lúa huyết rồng. Nhìn lại xuất phát ban đầu chỉ là chén lúa giống, mới thấy sự kiên trì hiếm có của lão nông này.

Năm Đấu quyết “đấu” thử thách để đổi đời

Ông Năm Đấu giới thiệu các sản phẩm chế biến từ gạo huyết rồng

Ông Năm Đấu giới thiệu các sản phẩm chế biến từ gạo huyết rồng

QUANG VIÊN

Con trai của ông Năm Đấu vận hành xưởng xay lúa và chế biến gạo huyết rồng thành nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng

Con trai của ông Năm Đấu vận hành xưởng xay lúa và chế biến gạo huyết rồng thành nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng

QUANG VIÊN

Khi tôi hỏi suy nghĩ của mình về lão nông Năm Đấu, về chuyện làm nông dân thức thời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Đứng trước sự thay đổi, mỗi người có 3 sự lựa chọn: từ chối, do dự hay chủ động. Người thức thời là người chủ động thích ứng với sự thay đổi. Thách thức và thời cơ luôn tồn tại song song, mỗi người đều có cách tiếp cận riêng của mình để đi đến thành công”. Rõ ràng, lão nông Lê Văn Đấu là người thức thời. Ông chủ động thích ứng với sự thay đổi và chấp nhận thách thức.

Thách thức trước hết là thay đổi thói quen trồng lúa 3 vụ một năm, năng suất cao đã ăn sâu vào não trạng của người nông dân. Bởi lẽ, tính theo chu kỳ sinh trưởng thì giống lúa huyết rồng này chỉ có thể làm được một năm hai vụ, năng suất cũng thấp hơn các giống lúa phổ biến mà người dân đang làm. Song người nông dân với trình độ đệ tứ (tương đương lớp 9 hiện nay) đã có những tính toán đúng. Ông Đấu cho rằng lúa huyết rồng có nguồn gốc lúa hoang, thân lúa cao, cứng cáp át cả cỏ dại và có sức sống vô cùng bền bỉ. Chúng còn thích nghi ngay cả các vùng đất ngập lũ, nhiễm phèn, đặc biệt là chống chịu sâu bệnh tốt. Nhờ những tố chất này mà khi canh tác lúa huyết rồng, người nông dân hạn chế rất nhiều các loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh, phân bón…; giảm được chi phí sản xuất.

“Với ưu thế tự thân của giống lúa huyết rồng, cho phép tôi dễ thực hiện quy trình “3 giảm” (giảm giống, giảm phân, giảm thuốc) từ đó đạt được “3 tăng” (tăng sản lượng, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận)”, ông Lê Văn Đấu đúc kết.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa ngay sau nhà, ông Năm Đấu hào hứng nói thêm về quy trình sản xuất lúa huyết rồng theo hướng hữu cơ của mình. Theo ông, được trồng giống lúa mà bản thân nó trời đã cho nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người thì con người phải canh tác làm sao giữ được những giá trị đó. Tôi tò mò: “Ông giữ được những giá trị đó bằng cách nào?”. Lão nông cười khà khà: “Đơn giản thôi. Phải có cái tâm, có kỹ thuật để làm ra hạt lúa sạch. Trước khi chế biến sản phẩm từ gạo huyết rồng, tôi phải đưa đi kiểm nghiệm chất lượng…”.

Bài toán lợi nhuận cũng được lão nông này tính toán rất căn cơ. Trung bình mỗi năm, cha con ông thu khoảng 120 tấn lúa huyết rồng. Nếu xay lúa bán gạo thì gạo huyết rồng giá cũng trội hơn các loại gạo phổ biến khác từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lão nông muốn gia tăng giá trị của gạo huyết rồng hơn. Vì vậy, ông đầu tư máy móc, thiết bị để tạo ra các sản phẩm sau gạo như bột gạo, cốm, gạo sấy, trà… “So sánh 1 ký gạo huyết rồng hiện nay tầm 30.000 đồng, nhưng chế biến thành bột gạo thì bán được 70.000 đồng, còn cốm bán được 120.000 – 150.000 đồng, sẽ thấy bài toán lợi nhuận giải êm ru”, ông Đấu lý giải.

Lúc chia tay, lão nông Năm Đấu nắm tay tôi và nói đúng chất nông dân miền Tây: “Làm kinh tế nông nghiệp như tui cũng cò con thôi. Chú về mạnh khỏe. Rảnh xuống đây nhậu với tui. Đời vui chứ sá chi tiền bạc”. Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ, ước gì trong 10 triệu hộ nông dân VN có nhiều người làm nông nghiệp “cò con” như ông Năm Đấu. (còn tiếp)

Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ gạo huyết rồng mang thương hiệu độc quyền Năm Đấu đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành và cũng đã bắt đầu xuất khẩu. Trên diện tích canh tác lúa huyết rồng hiện tại, mỗi năm gia đình ông Đấu thu về trên dưới 1,2 tỉ đồng (đã trừ các chi phí) và tạo công ăn việc làm cho một số bà con ở địa phương.



Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Nữ luật sư
Danh tiếng gia tộc 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img