Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với DĐDN về tạo “lực đẩy” cho tổng cầu trong năm 2024.

– Ông đánh giá như thế nào về tổng cầu của Việt Nam trong năm 2024?

Lòng tin thúc đẩy đầu tư, tạo “lực đẩy” cho tổng cầu

Như chúng ta đã biết, tổng cầu của Việt Nam trong năm 2023 đã bị suy giảm. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.

Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).

Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022, thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

Số liệu của năm 2023 cho thấy, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 là năm chưa xảy ra dịch Covid-19…

Quý I/2024 có tăng trở lại, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn rất cao, đơn cử xuất khẩu theo dự báo năm 2024 của nhiều nước là đối tác chính của Việt Nam như Mỹ hay EU đang có xu hướng chững lại, thậm chí suy giảm so với dự báo.

Còn về tổng cầu tiêu dùng trong nước, đang có xu hướng chững lại, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân. Số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ dịch vụ đang chậm lại. Chỉ có đầu tư khu vực nhà nước tăng, khu vực FDI được đánh giá là khả quan, còn đầu tư khu vực tư nhân đang có dấu hiệu chậm lại.

– Theo ông, sẽ có những yếu tố tích cực nào tác động đến tổng cầu của Việt Nam trong năm nay?

Thứ nhất, đầu tư chính phủ tiếp tục được giải ngân sẽ tác động tích cực đến tổng cầu.

Thứ hai, dự kiến đến tháng 7/2024 sẽ tăng lương trong khối khu vực nhà nước. Mặc dù là chi thường xuyên, nhưng việc này cũng sẽ làm thay đổi tổng cầu và tiêu dùng của khu vực tư nhân. Vì khu vực nhà nước chiếm một vai trò rất quan trọng đối với những người làm công ăn lương, không chỉ tác động đến người làm công ăn lương khu vực nhà nước, những người về hưu hay đang làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp cũng được tăng lương. Như vậy, sẽ tác động đến tổng cầu.

Thứ ba, số lượng đăng ký và giải ngân FDI có dấu hiệu tích cực và tăng lên. Theo báo cáo kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Khi Việt Nam khẳng định quyết liệt và mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thì lòng tin sẽ thúc đẩy nhà đầu tư tiếp tục đầu tư. Nhà đầu tư tư nhân sẽ chỉ đầu tư khi họ nhận thấy cơ hội kinh doanh trong tương lai tốt hơn và rủi ro ít đi.

Lòng tin thúc đẩy đầu tư, tạo “lực đẩy” cho tổng cầu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành quý 1 các năm 2020-2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê

– Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tăng tổng cầu trong thời gian tới?

Có một số vấn đề chúng ta cần cải thiện, trong đó quan trọng nhất là đầu tư khu vực tư nhân. Về dài hạn Việt Nam cần phải có định hướng và chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Thời gian vừa qua, đầu tư khu vực tư nhân chủ yếu liên quan đến hoạt động bất động sản. Khi bất động sản chững lại thì nhiều hoạt động của khu vực này cũng bị tác động.

Mô hình này cũng gần giống với Trung Quốc nhiều năm trước đây, và họ đã điều chỉnh từ tiêu dùng phụ thuộc vào bất động sản sang các lĩnh vực khác. Do đó, về dài hạn Việt Nam cũng nên từng bước điều chỉnh.

Có một điểm đáng chú ý, đó là mối liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước và FDI còn lỏng lẻo, các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được hết vai trò của các doanh nghiệp FDI. Như vậy, rất cần có cơ chế, chính sách để khu vực kinh tế tư nhân tận dụng và liên kết chặt chẽ hơn với khu vực FDI, để khi FDI đầu tư vào Việt Nam thì sẽ lan toả mạnh hơn đến khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Do sự lan toả của FDI đến khu vực kinh tế tư nhân trong nước thấp, đã dẫn đến việc mặc dù xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhưng sự thúc đẩy tư nhân trong nước lại không nhiều. Trong khi, khu vực tư nhân trong nước vẫn phụ thuộc vào các hoạt động liên quan đến bất động sản. Điều này về dài hạn sẽ không có lợi nếu doanh nghiệp tư nhân chỉ tập trung vào lĩnh vực này. Vì, giới hạn cho tăng trưởng khu vực tư nhân cũng bị hạn chế do không phải lúc nào hoạt động bất động sản cũng tăng trưởng liên tục.

– Trân trọng cảm ơn ông!