Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, ngày 23/5.

Tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng đang khởi sắc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn tác động đến Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội ra nghị quyết, Chính phủ điều hành thực hiện với quyết tâm rất lớn, kinh tế – xã hội nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, nổi bật là khu vực công nghiệp xây dựng, nông lâm thuỷ sản, dịch vụ đã lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Bên cạnh đó, đời sống người dân, chăm lo cho người nghèo được quan tâm; công tác đối ngoại được tăng cường, quốc phòng an ninh đảm bảo. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ băn khoăn khi báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân, đầu tư tư nhân năm 2023 giảm, thị trường bất động sản mấy năm nay trầm lắng.

“Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn, làm rõ nguyên nhân để từ đó có giải pháp cho thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm tính bền vững của các động lực trăng trưởng”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng đang khởi sắc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Đề cập khó khăn của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì được biết doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên cho biết trước tình hình chính trị, kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt trên thế giới dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức, vừa chia cắt, vừa bảo hộ thị trường, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.

Về kết quả thu ngân sách so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội và dự toán năm 2023 rất tích cực, đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng.

Tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng đang khởi sắc

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên.

Ngoài ra, các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế như xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD, so với chỉ số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 15 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 27-30 tỷ USD); vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 20-22 tỷ USD); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm….

Bên cạnh những điểm sáng vừa nêu, theo đại biểu Tạ Thị Yên cũng không thể không nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường. Ví dụ, thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… thời gian vừa qua không ổn định.

Do đó, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.

“Đối với thị trường vàng, chúng ta thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân, có thể do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi”, biểu Tạ Thị Yên bày tỏ.