Tuesday, June 18, 2024

Sài Gòn du lãm: Cảnh sắc Sài Gòn

Pierre Barrelon đến Sài Gòn đầu thập niên 1890. Ông có những quan sát về một thành phố thuộc địa và đời sống văn hóa tinh thần của người dân bản xứ cùng kiều dân rất chi tiết, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Le tour du monde (năm 1893), với nhan đề ngắn gọn là Saigon. Thanh Niên xin giới thiệu đến bạn đọc qua trích dịch của dịch giả Thư Nguyễn.

Cap Saint-Jacques [nay là Vũng Tàu] hiện ra trong tầm mắt (…). Hành trình tẻ nhạt bắt đầu trên con sông vàng vọt đặc quánh từ Sài Gòn đổ xuống các bờ thấp tè, tràn úng, xanh mướt một màu sú vẹt.

NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN

Sau những khúc quanh bất tận của dòng sông đơn điệu, cuối cùng cũng nhìn thấy những tháp chuông màu đỏ nghễu nghện của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (Cathédrale de Saïgon). Liền đó người ta sẽ thấy hải cảng và thành phố. Con tàu từ từ ghé vào quân cảng và cập bờ…

Mọi người xuống thang. “Hai người ra phía thang nào!”. Nghe tiếng gọi của viên sĩ quan canh gác, phu phen vội vàng chỉnh lại dây đai lúc nào cũng xộc xệch; và cuộc đổ bộ vội vã diễn ra giữa tiếng la hét, í ới, hỏi han từ xa của những người bạn đang chờ đợi, và những hành khách nóng lòng đặt chân lên mặt đất. Người ta mời nhau, hẹn nhau vào buổi chiều tối, vào ngày hôm sau. Xen lẫn còn có tin tức thăng tiến, tưởng thưởng nữa chứ! Mà còn bằng một âm sắc chói tai nhất.

Sài Gòn du lãm: Cảnh sắc Sài Gòn

Sông Sài Gòn (tranh của Th.Weber, bản khắc của Maynard)

Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Dần dần bến cảng thưa người, thôi ồn ã, lắng xuống. Những chiếc xe malabar sặc sỡ (xe ngựa xứ này) len chặt người lên từ tứ phía, và những chú ngựa An Nam nhỏ thó nhưng dẻo dai kéo tất cả đám thanh niên gồm sĩ quan, viên chức, kiều dân buôn bán về thành phố.

Quân cảng chiếm một khoảng mênh mông trên sông Sài Gòn, là chỗ thả neo riêng cho chiến thuyền của Nhà nước [chính quyền thuộc địa]. Nhiều pháo hạm, tàu phóng lôi, đôi lúc có cả thiết giáp hạm đứng soi vỏ bọc trắng lóa trên mặt nước đục ngầu.

Sát cầu tàu là dinh đô đốc [nguyên văn: hôtel de l’amiral, có lẽ là Hôtel du Commandant de la Marine (Dinh Tư lệnh hải quân Pháp), ở vị trí Bảo tàng Tôn Đức Thắng hiện nay] ẩn mình sau vườn cây xanh. Xa xa là xưởng tàu, xưởng quân giới thuộc địa hoạt náo nhất từng thấy với tiếng búa tiếng quai rung chuyển cả thành phố. Các dịch vụ mà ụ tàu này đem lại thật vô giá; tàu thuyền có trọng tải lớn nhất đều có thể được tu bổ sửa chữa dễ dàng.

Qua hàng rào và vườn tược ta thấy những mái dài màu đỏ của những kho lẫm hải quân.

Trên bến Thương mại [nguyên văn: Quai du Commerce, nay là bến Bạch Đằng], ở cuối khu vực quân sự, là dinh thự mới của hãng Messageries fluviales de Cochinchine (Vận tải đường sông Nam kỳ) và đội tàu duyên dáng của hãng.

Bây giờ là đường Catinat [nay là đường Đồng Khởi], con đường nổi tiếng bởi những cửa tiệm lộng lẫy, những quán cà phê xinh đẹp, những dòng xe cộ và khách bộ hành không ngừng nghỉ. Đường phố càng tấp nập hơn nữa vào những ngày có tàu vào bến cảng bởi hàng trăm thanh niên hối hả đến xả hơi sau một hành trình dài mệt nhọc.

Có người lao vào quán cà phê, thèm khát uống một thứ gì mát lạnh. Đá không phải lúc nào cũng sẵn trên tàu, và chỉ có trải nghiệm rồi mới biết thế nào là niềm khoái lạc chứa đựng trong một ly cocktail sủi bọt hay chỉ một cốc bia giản dị đối với những kẻ vừa đặt chân lên đất liền.

Những người khác ùa vào khách sạn, có vô vàn khách sạn và cái nào cũng tiện nghi. Họ muốn một chiếc giường thực sự, rộng rãi và trắng phau. Họ vui vẻ chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn đựng trong bát đĩa tinh tươm. Ngoài biển, khi thời tiết xấu, họ đã phải chịu cảnh nhớp nháp của phòng ăn và họ giữ cái thói quen thảm hại này ngay cả khi trời yên biển lặng.

Đường Catinat sôi động lạ kỳ. Đó không phải là cái hoạt náo đặc thù của những phố người Hoa mà ta thấy trong mọi thành thị Viễn Đông, với cảnh lúc nhúc của những tấm lưng trần, những cẳng chân trần đung đưa, thõng xuống, lặng lẽ. Ở đây, cái sôi động hoàn toàn mang dáng dấp Âu châu, đúng hơn là dáng dấp Paris; người ta từng nói Sài Gòn là Paris của Viễn Đông đấy thôi.

Năm giờ chiều, mặt trời sa xuống đường chân trời, người ta liền cởi bỏ chiếc mũ cát thực dân xấu xí nhưng rất đỗi tiện dụng, và rời khỏi những chiếc xe hơi kín mít, người ta lên một hàng dài xe ngựa được thắng mắc gọn gàng mà dạo chơi quanh Sài Gòn hoa lệ mỗi ngày.

Những cô nàng Âu châu duyên dáng, mỗi ngày lại thêm đông, họ không bỏ qua một mô-đen mới nào của Paris, nhưng nam giới thì hoàn toàn không đếm xỉa đến thời trang nữa; chẳng có gì đơn sơ hơn y phục của họ: một chiếc áo khoác mỏng và một chiếc quần dài trắng bóng, chấm hết, và cực kỳ giản tiện.

Những ký giả thời thượng đi khắp thế gian trong chưa đầy tám mươi ngày, những người đó, buồn thay cho độc giả của họ, lại chẳng có thời gian mà hiểu các xứ họ nói đến, họ kể đến với những chuyện hết sức giật gân về các thuộc địa của ta, và nhất là về Nam kỳ.

Người Âu ở Sài Gòn thực tình phải đi dạo âm thầm trên những phố phường bụi mù với gương mặt xanh xao và đôi mắt lờ đờ ẩn náu đằng sau cặp kính râm to tướng!… Hẳn là họ kiên nhẫn đợi chờ cái kiếp số “gã Nam kỳ khốn khổ” giáng xuống họ.

Những mô tả đáng ngại này xưa lắm rồi hoặc là về một xứ sở nào khác.

Đúng là đàn ông, và nhất là đàn bà, sống ở Nam kỳ sẽ có một nước da trắng và ẻo lả nhưng được cái này thì mất cái kia, quan trọng là họ không bao giờ thiếu vắng nụ cười trên môi. Nước da trắng ởn là bởi họ sống trong bóng râm vì mặt trời xứ này rất khủng khiếp. Nhốt mình trong những căn hộ tối om suốt ngày để tránh ánh sáng, tránh cả tiếng ồn thì hẳn nhiên kiều dân phải bị bợt da song đó chẳng hề là chỉ dấu của một thể chất lung lay. Để tin vào điều này thì chỉ cần sống ở Sài Gòn và giao tế với người Sài Gòn. (còn tiếp) 

(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img