Nhu cầu tài chính xanh đối với Việt Nam và các doanh nghiệp là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn tư nhân khó đáp ứng được.
Nhu cầu lớn nhưng khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu của nền kinh tế và các doanh nghiệp còn hạn chế. Ngân hàng là địa chỉ cấp vốn chủ lực, song hiện tại nguồn tín dụng xanh chỉ đạt 4,5%.
Nhiều chuyên gia trước đó cũng từng nhấn mạnh rằng, dòng vốn xanh từ thế giới đang chờ cơ hội để vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cái khó là cánh cửa cho tài chính khí hậu vẫn chưa rộng mở do hạn chế về khung pháp lý.
Do đó, vấn đề quan trọng đầu tiên được ông Darryl J. Dong đề cập để mở cánh cửa tài chính là cần xây dựng khung pháp lý khí hậu tốt để thu hút các nhà đầu tư tài trợ vốn. Theo chuyên gia, việc xây dựng khung pháp lý không nên quá cầu toàn mà có thể chấp nhận những hướng dẫn hoàn hảo không thể đến cùng một lúc như một số nước trong khu vực ASEAN đã thực hiện. Khi thị trường cải thiện, có thể bổ sung và hoàn thiện.
Ngoài ra, ông Darryl J. Dong đề xuất một số giải pháp khác như tài chính hỗn hợp – kết hợp vốn ưu đãi và thương mại để có thể giảm tổng chi phí giao dịch, giúp cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của dự án; thúc đẩy các dự án có khả năng tiếp cận được với các ngân hàng nhiều hơn…
Là nhà cung cấp vốn xanh cho doanh nghiệp, ông Daniel Small – Giám đốc bộ phận thu xếp nguồn vốn và tài chính bền vững của HSBC Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp lý cho tài chính xanh.
Theo ông Daniel Small, cũng giống như các khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi xanh trong thời gian gần đây. Đó là khởi đầu không dễ dàng.
Chuyên gia của ngân hàng HSBC cho rằng, để tiếp cận tài chính xanh, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ với một dự án như năng lượng mặt trời áp mái – chủ đề đang được quan tâm hiện nay. Một lựa chọn khác là xem xét thực hiện tòa nhà xanh giúp giảm chi phí năng lượng, nước trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, xác định nội dung quan trọng trong thực hành E (môi trường), S (xã hội) và G (quản trị) bằng công cụ và khuôn khổ có sẵn. Các doanh nghiệp cũng có thể bắt đầu tìm hiểu các chứng chỉ và tiêu chuẩn quốc tế tự nguyện (FSC, Rainforest Alliance, LEED/EDGE…) giúp đo lường và xác thực các hoạt động tốt mà doanh nghiệp thực hiện. Việc công bố thông tin ESG theo các hướng dẫn quốc tế được xem là một trong những cách để tăng tính minh bạch và toàn vẹn.
Theo thời gian, các doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình phát triển bền vững/chuyển đổi với các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cụ thể phù hợp với lộ trình của Việt Nam hoặc thậm chí sớm hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm tài chính bền vững như sản phẩm liên kết bền vững.
Ông Daniel Small lưu ý, phát triển bền vững không phải là khái niệm mới nhưng ứng dụng bền vững trong thực tế luôn không ngừng phát triển, có thể khiến nhiều doanh nghiệp bối rối. Do đó, thường xuyên tìm hiểu, chia sẻ, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp tiên phong hoặc hợp tác với đối tác độc lập để được tư vấn, xác thực là cần thiết. Cách thức này có thể giúp doanh nghiệp có ý tưởng mới, tiếp cận thông tin được cập nhật, chính xác.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn