VTV.vn – Khi thông tư hết hiệu lực, đồng nghĩa là những khoản nợ thực chất sẽ được ghi nhận và có thể nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ tăng lên.
Thông tư 02 và sau đó tiếp tục được gia hạn bằng Thông tư 06 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ hết hiệu lực sau hơn một tháng nữa. Khi thông tư này hết hiệu lực, đồng nghĩa là những khoản nợ thực chất sẽ được ghi nhận và có thể nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ tăng lên.
Ngân hàng này có khoảng 0,75% tổng dư nợ được giãn hoãn nợ theo Thông tư 02 và Thông tư 06. Tuy nhiên, với thời gian áp dụng kéo dài tới một năm rưỡi, các ngân hàng đều đã chủ động hạch toán dư nợ về đúng bản chất nên không gây xáo trộn lớn.
Ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội cho biết: “Về cơ bản, các khách hàng cũng đã phục hồi sản xuất. Và năm 2025 tôi nghĩ việc này không còn tác động lớn đến MB”.
Tính từ tháng 4 năm ngoái đến hết tháng 8 năm nay, đã có khoảng 290.000 khách hàng được cơ cấu nợ với dư nợ khoảng 250.000 tỷ đồng được giãn hoãn. Sau quá trình phục hồi tích cực thời gian qua, lượng nợ cần cơ cấu giảm khoảng một nửa. Dù vậy, nợ xấu vẫn chịu áp lực khi nhiều khách hàng khó khăn từ dịch Covid-19, mới khôi phục lại sản xuất kinh doanh do chính sách này, lại tiếp tục thiệt hại do cơn bão số 3. Đây cũng là nhóm cần khẩn trương có chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ sau khi thông tư hiện nay hết hiệu lực.
Ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia nhận định: “Chúng ta có thể xem xét để chấm dứt hết hiệu lực đối với Thông tư 02 và Thông tư 06 đó đến cuối năm nay nhưng có chọn lọc. Tức là có thể xem xét cho gia hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các tỉnh thành doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lụt, Yagi vừa qua”.
Cho đến nay, chưa có thông tin cụ thể liên quan đến việc thông tư này có tiếp tục gia hạn hay không. Nhưng thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước đang có nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng theo hướng chủ động, linh hoạt hơn như tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các tổ chức tín dụng để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Ông Phạm Văn Thịnh – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Giải pháp hỗ trợ về mặt tín dụng, về mặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ rất kịp thời, giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian, có thêm nguồn lực để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.
Trong Công điện mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành không giật cục, không tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Vì thế, doanh nghiệp, người dân cũng rất mong chờ sớm có các thông tin liên quan đến việc giãn hoãn nợ để có thể chủ động với các kế hoạch sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!