Khủng hoảng lương thực trên thế giới lại là cơ hội cho nhiều nông sản trong nước đàng hoàng bước vào bàn ăn của thế giới. Quan trọng hơn, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đã thay đổi…
“Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới”, lời tư vấn cách đây 15 năm của ông Philip Kotler – cha đẻ học thuyết marketing đang dần được định hình khi xuất khẩu nông thủy sản VN đã tiến một bước dài cả về chất và lượng trong năm nay.
Về lượng, tính đến hết tháng 8.2022, xuất khẩu nông sản tăng trưởng đến 13,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 36,3 tỉ USD với 7 nhóm sản phẩm giá trị trên 2 tỉ USD. Đáng tự hào hơn là nhiều mặt hàng đã “mở cửa thị trường thế giới” bằng con đường chính ngạch, đường hoàng lên kệ của các hệ thống phân phối lớn bằng tên tuổi của chính mình, thậm chí vào tận bàn ăn của nhiều thị trường khó tính nhất.
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng kỷ lục trong những tháng đầu năm 2022 |
Gạo có thương hiệu lên bàn ăn
Đúng ngày Tết độc lập của đất nước, ngành lúa gạo VN nhận món quà không thể giá trị và ý nghĩa hơn. Đó là việc những cán bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản vui vẻ thưởng thức món cơm chiên được chế biến từ gạo ST25 – “gạo ngon nhất thế giới” đến từ VN. Ông Tạ Đức Minh, tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, cho biết đây là thành quả trong suốt 1 năm, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan ngoại giao của VN tại Nhật Bản nỗ lực tìm đường và hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của đối tác. Thành công từ câu chuyện quả vải khi tiếp cận thị trường thông qua cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, đã dùng đặc sản VN trở thành “món quà” làm đầu câu chuyện. Hạt gạo cũng vào thị trường Nhật Bản bằng sự dung dị, gần gũi như thế.
Nói thì ngắn nhưng trên thực tế, để đến được ngày vui này, hạt gạo Việt đã có chặng đường gian nan hơn nhiều bởi tại Nhật Bản, gạo được nhập khẩu qua hình thức đấu thầu chính phủ. Gạo của chúng ta lại từng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật đưa vào danh sách tham gia đấu thầu. Vì vậy, gạo VN xuất khẩu vào thị trường Nhật từ đó đến nay chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, làm tương miso… Chưa kể gạo là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các FTA (hiệp định thương mại tự do), nên gạo VN muốn xuất sang Nhật không được hưởng ưu đãi đặc biệt nào. Bởi vậy, khi ST25 vào thị trường gạo của Nhật Bản, với thương hiệu riêng, rồi phục vụ trong Văn phòng Nội các Nhật Bản, là một hành trình rất gian nan, phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản.
Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ở miền Tây, đây thật sự là món quà ý nghĩa mà Chính phủ Nhật Bản dành tặng cho bà con nông dân VN. Việc Văn phòng Nội các nước này giới thiệu món cơm chiên của VN như một sự khẳng định không thể tốt hơn về chất lượng sản phẩm cũng như công thức chế biến. Cùng thời gian này, gạo VN cũng được đưa lên kệ ở hai hệ thống phân phối lớn ở Pháp với thương hiệu riêng. Đó là gạo “Ông Cua ST25”, thương hiệu được sở hữu bởi chính gia đình ông Hồ Quang Cua – cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới đã xuất khẩu thành công sang thị trường Anh. Trước đó, “Ông Cua ST25” cũng đã xuất thành công vào thị trường Úc.
Món cơm chiên từ gạo ST25 được đưa vào thực đơn trưa của Văn phòng Nội các Nhật Bản |
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ VN tại Thụy Điển (phụ trách khu vực Bắc Âu), nhận xét: xuất khẩu gạo của VN vào EU vẫn chưa khai thác hết hạn ngạch 80.000 tấn/năm do hàng hóa VN trước giờ chỉ mới tập trung nhiều ở các nước Tây Âu, còn các nước Bắc Âu rất ít dù nhu cầu tiêu dùng cao. Vì thế, cơ hội và tiềm năng cho gạo nói riêng và hàng hóa VN nói chung còn rất lớn. “Tấn công” vào phân khúc thị trường cao cấp cũng là định hướng của nhiều doanh nghiệp VN trong những năm gần đây. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết gạo của doanh nghiệp này bán vào thị trường EU có giá 1.100 – 1.200 USD/tấn, tương đương gạo Thái Lan.
Bên cạnh các thị trường cao cấp, xuất khẩu gạo của VN vào thị trường truyền thống là Trung Quốc cũng có sự chuyển biến về chất. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm đến 27,5% trong 7 tháng đầu năm, song mặt hàng gạo ST và gạo thơm lại tăng trưởng ấn tượng gần 60% so với cùng kỳ năm 2021. Sự chuyển biến của thị trường gạo thời gian gần đây cho thấy, “hạt gạo làng ta” (thơ Trần Đăng Khoa) đã và đang có cơ hội rất lớn để khẳng định vị thế của mình trên bếp ăn thế giới.
Tôm, cá vào bếp ăn châu Âu
Dịch bệnh, kinh tế khó khăn, giá thực phẩm tăng cao… cũng là cơ hội giúp thủy hải sản VN có thêm cơ hội vào giỏ hàng của bà nội trợ các nước châu Âu. Ông Khiêm Nhật Thành, Tổng giám đốc Công ty T&T Foods, nhà nhập khẩu hàng nông sản từ các nước châu Á phân phối cho các kênh bán lẻ ở Pháp, cho biết: Người Pháp và châu Âu rất thích các món ăn châu Á và VN, nhưng họ không biết cách chế biến. Khi dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống nhà hàng đóng cửa. Để thưởng thức các món ăn gốc Á, buộc họ phải tự mày mò công thức và học cách chế biến. Và họ phát hiện ra giá nguyên liệu của các sản phẩm này rẻ hơn rất nhiều so với các món ăn ở nhà hàng. Chính vì vậy mà nông sản thực phẩm gốc Á và VN gần đây có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, vươn lên dẫn đầu cùng với nhóm thực phẩm hữu cơ; trong khi các loại thực phẩm khác và thị trường bán lẻ tăng trưởng chậm lại.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), thừa nhận các doanh nghiệp VN đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này bằng việc tăng cường chế biến các sản phẩm tiện dụng, ăn liền, tốt cho sức khỏe, điều chỉnh đóng gói sản phẩm từ trọng lượng lớn sang vừa phải, phối hợp với các nhà nhập khẩu đẩy mạnh bán hàng online, mở thêm các thị trường ngách… Theo TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, nhờ đi sâu vào lĩnh vực chế biến nên sản phẩm thủy sản VN dễ dàng thích nghi với điều kiện thị trường thế giới thường xuyên biến động mạnh. Vì thế, mới có thể cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ các nước Indonesia,
Thái Lan, Ấn Độ và đặc biệt là Ecuador để đi vào bàn ăn của nhiều bà nội trợ các nước châu Âu. Lãnh đạo các doanh nghiệp ngành thủy sản đều rất tự hào khoe với chúng tôi: “Mấy năm gần đây chúng ta đã vượt qua Thái Lan để dẫn đầu thế giới”.
Mỹ và Nhật Bản cũng là những quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu tôm từ VN. Mỗi năm, người Mỹ, Nhật bỏ hàng tỉ USD để ăn tôm Việt và đây luôn là thị trường tiềm năng nhất đối với xuất khẩu thủy sản trong nước.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, mô hình kinh tế lý tưởng nhất ở các tỉnh ven biển ĐBSCL là lúa tôm. Vào mùa mưa chúng ta trồng lúa, mùa nước mặn nuôi tôm. Hai đối tượng cây trồng vật nuôi này là một sự phối hợp hoàn hảo. Chất thải sau vụ tôm là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây lúa. Vào mùa lúa, hệ sinh thái nước ngọt và cây lúa giúp tẩy sạch dịch bệnh trên ruộng tôm. Đây là mô hình bền vững và an toàn sinh học vừa tạo hiệu quả kinh tế cao giúp nông dân thoát nghèo. Thực tế, mô hình này đã được chứng thực tại nhiều tỉnh ven biển miền Tây.
Với xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, xanh… việc đảm bảo an toàn đầu ra sẽ giúp con tôm, con cá từ VN có cơ hội hiện diện nhiều hơn trong bàn ăn của thế giới.
Sản xuất lúa ở ĐBSCL cần chuyển hướng thuận tự nhiên để giảm giá thành, tăng chất lượng |
Khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị lương thực toàn cầu
GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu VN, nhận định: Xuất khẩu nông sản hay sản xuất nông nghiệp nói chung, một lần nữa lại thể hiện vai trò trụ đỡ và điểm sáng cho nền kinh tế đất nước trong một giai đoạn biến động lớn. Trong khi giá lương thực thế giới tăng cao, bên cạnh đó lũ lụt, khô hạn khắp nơi thì VN vẫn ổn định nguồn cung và giá cả cho người dân cũng như xuất khẩu một lượng lớn ra thế giới. Đây là những điều tích cực và may mắn mà tự nhiên đã ưu ái cho dân tộc VN. “Chúng ta cần cảm thấy mừng và biết ơn về điều đó” – GS Võ Tòng Xuân nhắn nhủ và lưu ý, việc này cũng cho thấy sự đóng góp có ý nghĩa và vai trò quan trọng của VN vào nguồn cung lương thực toàn cầu. Khi thế giới càng biết nhiều về lương thực thực phẩm VN cũng có nghĩa họ sẽ có thêm thông tin về cái nôi ĐBSCL nơi làm ra những sản phẩm đó. Từ đó, giúp bảo vệ tốt hơn vùng đất này từ các tác động của tự nhiên và khu vực thượng nguồn. Tuy nhiên, những điều này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu đời sống và thu nhập của người dân không được cải thiện.
Chiến lược nâng giá gạo Việt lên 1.000 USD/tấn
Năm 2019, tôi có đồng hành hỗ trợ anh Hồ Quang Cua trong lúc tham gia cuộc thi gạo ngon. Tại đó, các nhà nhập khẩu gạo từ Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc) có khuyến nghị, thắng giải cuộc thi gạo ngon chỉ là tiền đề ở khâu giống. Để có chỗ đứng trên thị trường quốc tế VN cần phải làm ra các sản phẩm thật tốt về chất lượng và an toàn để từ đó nâng giá thành sản phẩm lên trên mốc 1.000 USD/tấn. Đây là mức giá dành cho các thị trường cao cấp. Muốn phát triển ở phân khúc này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách làm, kéo nông dân lại với nhau và hợp tác với doanh nghiệp; sản xuất theo quy trình sạch an toàn theo từng nhu cầu thị trường cụ thể. Mỗi thị trường có một nhu cầu tiêu thụ gạo khác nhau, VN mới chỉ có một giống gạo đạt danh hiệu thì chưa đủ. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp để xây dựng và phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường tạo cơ hội xúc tiến, hợp tác với các nhà phân phối nước ngoài vì chỉ có họ mới là người hiểu rõ thị trường nhất.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường đại học Nam Cần Thơ
Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh của nông nghiệp ngày mai
Trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu; cây lúa được nghiên cứu nhiều nhất ở tầm thế giới qua nhiều dự án hợp tác quốc tế. Đó là tiền đề của “an ninh lương thực” xét về lâu dài. VN tự hào có nền văn minh lúa nước và kỹ năng trồng lúa của nông dân ta được thế giới kính nể. Ở Hàn Quốc, họ chế biến “sữa gạo” có giá trị dinh dưỡng cao. Nhật Bản chế biến gạo thực phẩm chức năng giàu gamma butyric acid (GABA) điều hòa huyết áp tốt. Ngần ấy đã làm tăng gấp nhiều lần giá trị hạt gạo/ha canh tác. ĐBSCL rất có khả năng sản xuất lúa có chỉ số glycemic thấp (GI thấp) làm thực phẩm chức năng cho người mắc bệnh đái tháo đường; hoặc gạo có anthocynin, giàu antioxidant ngăn ngừa bệnh ung thư đại tràng. Đầu tư cho “khoa học nông nghiệp hôm nay” chính là hình ảnh của nông nghiệp ngày mai.
TS Lê Văn Bảnh, Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL
Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp
Đáng mừng hơn là sản phẩm của VN hiện nay không chỉ có lượng mà cả chất cũng được đánh giá cao. Các doanh nghiệp VN ngày càng lớn mạnh và trở thành đối tác của các tập đoàn, chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cho thấy sự xâm nhập sâu rộng của doanh nghiệp VN vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ để các DN tiếp tục lớn mạnh hơn để trở thành những mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị ấy.
GS-TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam
Theo GS Võ Tòng Xuân: Bài toán đặt ra với nền nông nghiệp VN là tổ chức lại sản xuất sao cho hài hòa với nhu cầu thị trường. Lúa gạo dung lượng nhỏ thì chúng ta sản xuất vừa phải, đúng thị trường mục tiêu. Tôm, cá, rau quả… có dung lượng lớn giá trị cao thì cần ưu tiên để giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ví dụ như vùng ven biển, với điều kiện tự nhiên một mùa nước ngọt một mùa nước mặn thì cần tôn trọng quy luật đó phát triển mô hình kinh tế một vụ lúa một vụ tôm. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nhất. “Hay giống lúa ST25 của VN lại được sinh ra từ vùng đất ven biển này nên chất lượng tốt nhất khi được trồng ở vùng này. Tôm và lúa trong mô hình này sẽ được quản lý dịch bệnh một cách tự nhiên bởi 2 hệ thống sinh thái mặn và ngọt đan xen nên cơ bản rất sạch. Bên cạnh mô hình lúa tôm ở vùng ven biển thì có thể mở rộng diện tích trồng cây ăn trái và rau màu gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị xuất khẩu” – GS Xuân gợi ý.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cũng nhấn mạnh: Tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, gây nên các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong khi dân số thế giới vẫn tiếp tục gia tăng gây áp lực không nhỏ lên các quốc gia. Đó là lý do, từ khi các khái niệm thương mại tự do phổ biến, chưa khi nào thế giới xuất hiện tình trạng hạn chế xuất khẩu lương thực nhiều như năm nay, mới nhất là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. “Khi lương thực thực phẩm trở thành “cơn đau đầu” của các quốc gia thì VN vẫn có một nguồn cung phong phú. Điều này làm cho vai trò của VN trên trường quốc tế tăng. Đó là sự gia tăng tự nhiên theo dòng chảy nông sản của chúng ta đi khắp nơi trên thế giới” – GS Bửu phân tích.
Nguồn: thanhnien.vn