Làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch – Quảng Bình) là ngôi làng có lịch sử hình thành gần 400 năm. Ở làng biển này, lễ Cầu Ngư được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm, đây là lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước.
Ở làng Cảnh Dương có một miếu thờ với tên gọi là “Linh Ngư Miếu” được lập nên từ năm 1809 để thờ cá Ông, cá Bà (thường được gọi là Cá Voi). Người dân làng Cảnh Dương cho hay, khoảng năm 1809 khi có miếu thờ “Linh Ngư Miếu” ở đây ngư dân đã đưa cá Bà dạt vào bờ biển để thờ cúng, hơn 100 năm sau, người dân Cảnh Dương cũng phát hiện thêm 1 con cá Voi khổng lồ dạt vào biển nên họ đã rước vào thờ ở miếu này.
Theo những người ngư dân, những ngày tháng lênh đênh trên biển cả để đánh bắt hải sản, nhiều lúc tàu thuyền họ gặp những bất trắc trên biển thì cá Voi thường trợ giúp tàu thuyền, giúp người dân tai qua nạn khỏi, tránh được phong ba bão táp… do vậy trong tín ngưỡng của người dân, họ vô cùng kính trọng cá Voi nên đã lập miếu thờ.
Hàng năm, mỗi dịp vào rằm tháng Giêng, ngư dân làng biển Cảnh Dương tổ chức lễ Cầu ngư để cầu mong một năm mới cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Lễ hội Cầu Ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hoà, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc…
Với ý nghĩa đó, lễ cầu ngư làng Cảnh Dương tại miếu Linh Ngư là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh: mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà. Ngoài việc thờ cá Ông, cá Bà ở “Linh Ngư Miếu”, ở xã Cảnh Dương cũng có một nghĩa địa cá Voi, nơi người dân chôn cất những con cá Voi dạt vào bờ biển của xã trong nhiều năm qua.
Sau buổi lễ là màn múa hát dân ca làng biển Cảnh Dương và múa bông chèo cạn với các màn trình diễn ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội cầu ngư tại Cảnh Dương là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng.
Là xã biển, người dân xã Cảnh Dương chủ yếu mưu sinh bằng các hoạt động phát triển kinh tế biển. Xã có làng nghề truyền thống khai thác hải sản lâu đời, có đội tàu cá với trên 640 chiếc, trong đó có trên 350 tàu cá tham gia đánh bắt ở vùng xa bờ, nhiều tàu được cấp phép hoạt động trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ, do đó lễ hội Cầu ngư là một phần tín ngưỡng không thể thiếu hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng cùa người dân vùng biển này…