Dành “thời gian vàng” cho lớp 1
Tại Vĩnh Phúc, Sở GD-ĐT tỉnh này đã yêu cầu tận dụng “thời gian vàng” 2 tuần trước ngày khai giảng năm học mới để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1. Với giải pháp này, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bước vào năm học mới 2021 – 2022, học sinh lớp 1 vẫn có nền tảng để chuyển sang học trực tuyến.
Cô Chu Thị Uyên, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Kim Ngọc (TP.Vĩnh Yên), cho biết ngay sau khai giảng, ngày 6.9 học sinh đã bước ngay vào học kiến thức theo chương trình vì đã trải qua 2 tuần làm quen trước đó.
Song đề phòng dịch diễn biến phức tạp, học sinh có thể phải chuyển sang học trực tuyến nên nhà trường đã chỉ đạo dạy học khối 1 “cuốn chiếu” trong thời gian đầu với 3 môn chính là tiếng Việt, toán, tiếng Anh. Các môn còn lại dạy sau. Như vậy, trong trường hợp phải dạy học trực tuyến thì triển khai cũng đơn giản hơn.
Theo cô Uyên, năm ngoái vì dịch bệnh học sinh mẫu giáo 5 tuổi không được đi học, lại không có 2 tuần cho trẻ làm quen nên giáo viên vừa phải dạy bài mới vừa tập cho học sinh các kỹ năng cơ bản của việc tập đọc tập viết. Năm nay nhờ có 2 tuần trẻ được làm quen nên giáo viên đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Cô Lưu Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Tâm, (TP.Vĩnh Yên), cho biết: học sinh lớp 1 được tựu trường từ ngày 23.8, sau khai giảng nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch môn học, ưu tiên ở lớp 1 cho những môn học mang tính chất nền tảng như tiếng Việt, toán. Nếu trong thời gian tới học sinh phải học trực tuyến thì các em đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, giáo viên có thể gửi video ngắn, sau đó, phối hợp với phụ huynh học sinh hướng dẫn các con học bài để đảm bảo yêu cầu của chương trình.
Tại Lào Cai, theo cô Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Thải Giàng Phố (H.Bắc Hà), với học sinh lớp 1 thì “tuần 0” được học trực tiếp với giáo viên là đặc biệt quan trọng, nhất là với học sinh dân tộc. Các con sẽ được rèn những kỹ năng cơ bản cho việc học sau này như: nền nếp học tập ở phông thông khác với mầm non, nhận biết các nét cơ bản, phân biệt sách, vở, cách cầm bút, phấn, cách ngồi học, nền nếp trường lớp…
Tại Bắc Giang, từ ngày 6.9 bắt đầu tổ chức dạy trực tiếp. Với cấp tiểu học, thực hiện tinh gọn lại chương trình dạy học; ưu tiên thời gian dạy trực tiếp cho các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh… bố trí mỗi buổi 1 khối lớp đi học, tạm phân chia lại lớp học bảo đảm mỗi lớp không quá 25 học sinh; tranh thủ tối đa thời gian học ở trường để đẩy nhanh tiến độ dạy học.
Đối với bậc THCS, Bắc Giang tinh gọn lại chương trình dạy học, ưu tiên thời gian dạy trực tiếp cho các môn văn hóa cơ bản, bố trí mỗi buổi một khối lớp đi học, tạm phân chia lại lớp học bảo đảm mỗi lớp không quá 25 học sinh; tranh thủ tối đa thời gian học ở trường để đẩy nhanh tiến độ dạy học.
Có thể tăng ca, học cả ngày nghỉ
Hải Phòng , một trong số ít địa phương ở khu vực thành thị học sinh đang được đến trường. Sở GD-ĐT thành phố này yêu cầu, trong thời gian học trực tiếp, các trường linh hoạt kế hoạch thời gian năm học, có thể dạy quá 6 buổi/tuần tận dụng thời gian vàng để học sinh học trực tiếp nhiều hơn.
Thanh Hoá khai giảng năm học vào ngày 6.9 và bắt đầu học ngay sau đó. Sở GD-ĐT tỉnh này yêu cầu tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục: tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ bảy…
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển thì cho biết: nhiều địa phương vùng an toàn của tỉnh đã bố trí cho học sinh đi học sớm trước ngày khai giảng để tranh thủ thời gian quý giá để dạy học trực tiếp. Các nhà trường tổ chức dạy các nội dung cơ bản, cốt lõi; linh hoạt, chủ động dạy ngay những nội dung không thể thực hiện thông qua trực tuyến.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, tình huống thực sự cấp bách, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ chuyển sang học trực tuyến một cách kịp thời.
Với tinh thần đó, nên theo ông Hiển: “Dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, thay vì nghỉ 4 ngày, ngành giáo dục Thái Bình quyết định chỉ nghỉ duy nhất ngày 2.9 và tranh thủ tổ chức dạy học lại bình thường những ngay”.
Ông Hiển cho rằng để sắp xếp kế hoạch dạy học phù hợp, tận dụng tối đa thời gian mà không gây quá tải thì hiệu trưởng mỗi nhà trường phải làm tốt công tác quản lý, quản trị nhà trường; chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; làm sao vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Tỉnh Thanh Hoá tổ chức dạy học ngay sau lễ khai giảng ngắn gọn (theo đơn vị lớp) và nhấn mạnh yêu cầu: “Tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục: tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ bảy”…
Một số địa bàn “vùng xanh” của Nghệ An cũng cho biết đang “chạy đua với thời gian” học sinh được đến trường để cung cấp kiến thức cốt lõi cho các em. Khảo sát năng lực và dạy bổ sung, phụ đạo cho những em tiếp thu chậm hoặc quên kiến thức cũ sau thời gian nghỉ dài.
Không ít giáo viên ở các địa phương trong thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, đều chia sẻ sẵn sàng dạy 2 – 3 ca/ngày kể cả buổi tối để dạy trực tiếp cho học sinh.