Hàng trăm nghìn ngôi nhà và con đường tại đảo Bắc của New Zealand đang ngập trong nước lũ sau khi bão Gabrielle càn quét. Điều này cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức đối với nước này trong những năm gần đây.
Theo CNN, cơn bão thế kỷ Gabrielle với sức tàn phá lớn tại khu vực miền Bắc New Zealand đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải di dời và gây chia cắt các tuyến giao thông.
Trong đó, vịnh Hawke, nơi được biết đến với “thiên đường du lịch” của rượu vang hảo hạng và những vườn nho, đang chống chọi với tình trạng lũ lụt.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, người đã đi qua các địa điểm ảnh hưởng bởi bão bằng máy bay trực thăng ngày 16/2, cho biết cơn bão có sức tàn phá trên diện rộng. Ông thừa nhận đất nước chưa chuẩn bị kỹ lưỡng trước các sự kiện thời tiết cực đoan và bây giờ có rất nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả.
Nhà lãnh đạo này cũng nhận định: “Chúng ta không thể tiếp tục theo cách thức mà chúng ta luôn áp dụng. Chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hơn các sự kiện thời tiết cực đoan. Do vậy chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”.
Thách thức từ biến đổi khí hậu
Tình trạng lũ lụt tại đảo Bắc New Zealand diễn ra chỉ hai tuần sau khi Auckland – thành phố lớn nhất đất nước với dân số 1,7 triệu dân, đối mặt với trận mưa lịch sử gây lũ quét và sạt lở đất. Trong khi đó, quốc gia châu Đại Dương này vốn đang ở trong những tháng khô hạn nhất trong năm.
Các chuyên gia cảnh báo những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu ấm lên. Trong đó, New Zealand mặc dù nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới thường hình thành ở phía Bắc.
Nhà khoa học Sam Dean, thuộc Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA), cho biết biến đổi khí hậu không nhất thiết sẽ làm tăng tần suất của các cơn bão nhiệt đới, nhưng sẽ khiến chúng có cường độ mạnh hơn.
Ông nói: “Điều này đang xảy khi nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn so với trước đây. Bầu khí quyển ấm hơn và giữ nhiều hơi ẩm hơn, tạo ra nhiều năng lượng hơn, khiến hình thành các cơn bão nguy hiểm hơn với lượng mưa đáng kể hơn”, đồng thời cảnh báo bất kỳ khu vực nào của New Zealand cũng có nguy cơ bị mưa lớn.
Auckland thường rất khô và có thể hạn hán vào thời điểm này trong năm. Nhưng giờ thì thời tiết tại đây lại ẩm ướt.
Ông Daithi Stone, nhà khoa học khí hậu tại NIWA, cho biết. “Nhưng nguy cơ hạn hán vẫn chưa biến mất. Trong các dự báo của chúng tôi về việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến New Zealand như thế nào, có một đặc điểm rõ ràng là Northland (phía bắc Auckland) sẽ trở nên khô hạn hơn”.
Ông Daithi cũng nhận định các đợt nắng nóng cũng có thể trở thành rủi ro của New Zealand – quốc gia vốn có khí hậu ôn hòa. “Chúng tôi vốn không hề quen với những đợt sóng nhiệt. Đây là một khái niệm mới lạ. Nhưng có thể chúng tôi sẽ sợ hãi chúng vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần”.
Tăng khả năng phòng thủ khí hậu
Với dân số khoảng 5 triệu người, New Zealand là một quốc gia có lượng khí thải carbon thấp. Năm ngoái, quốc gia này đã thải ra 78,8 triệu tấn CO2, thấp hơn nhiều so với Mỹ và Trung Quốc – hai nước có lượng phát thải lớn nhất thế giới.
Dù vậy, chính phủ New Zealand đã coi biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết và từng công bố kế hoạch giảm phát thải để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nước này cũng công bố kế hoạch thích ứng quốc gia, nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu trong tương lai.
Theo các chuyên gia, sau sự kiện bão Gabrielle, New Zealand có khả năng sẽ thúc đẩy kế hoạch trên nhanh hơn nữa. Nước này có thể di dời nơi ở của người dân ra khỏi các khu vực gần bờ biển và sông để tránh nguy cơ lũ lụt. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng thủ khí hậu như xây tường chắn biển, đắp đê, xây nhà chống lũ,… cũng được khuyến khích thực hiện.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, New Zealand cũng đang kêu gọi các nước phát thải lớn cần hành động để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C. Đây là giới hạn mà các nhà khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động thảm khốc hơn của khủng hoảng khí hậu. Thế giới đã ấm hơn ít nhất 1,1 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp hóa.
Ông James Renwick, nhà nghiên cứu thời tiết và khí hậu tại Đại học Victoria ở Wellington, cho biết: “Những gì chúng ta cần thấy là Trung Quốc, Mỹ, Australia, Canada, Brazil và các nước phát thải lớn cũng bắt đầu giảm lượng khí thải của họ. Tôi hy vọng chúng ta có thể truyền cảm hứng giúp các quốc gia khác làm điều tương tự”.
Nguồn: moitruongvadothi.vn