Rất nhiều bạn đọc bức xúc trước việc hiện có quá nhiều ứng dụng (app) liên quan khai báo y tế dẫn đến người dân bị rối, chưa kể việc thiếu liên thông, tích hợp giữa các app này khiến lãng phí nguồn lực mà hiệu quả chống dịch lại không cao.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Y tế vừa có báo cáo về các ứng dụng phòng chống Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, Bộ vẫn chưa thông tin đâu sẽ là ứng dụng duy nhất tích hợp tất cả tính năng, từ khai báo y tế đến chứng nhận tiêm chủng cho người dân…
Chạy đua ra app
Theo Bộ Y tế, các ứng dụng đều thực hiện chức năng khai báo y tế, nhưng chưa có ứng dụng nào thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về khai báo y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, chưa liên thông được dữ liệu khai báo, gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát, khai thác, truy vết khi cần.
Mã quét QR Code ứng dụng quản lý di biến động dân cư của Bộ Công an và QR khai báo y tế của một số địa phương chưa thống nhất theo chuẩn chung, khiến các ứng dụng chưa đọc được QR Code của nhau. Hệ thống quản lý điểm kiểm soát QR Code và tờ khai y tế chưa liên thông dữ liệu.
Đáng chú ý, dù rất nhiều phần mềm, song Bộ Y tế cho biết nhiều cơ sở tiêm vắc xin chưa nhập dữ liệu kịp dẫn đến người dân đã tiêm nhưng chưa có chứng nhận điện tử trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) và Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia.
Chưa kể, nền tảng hoạt động chưa ổn định, các thành phần của hệ thống chưa hoàn thiện, xảy ra lỗi, trục trặc, chưa liên thông dữ liệu dẫn đến báo cáo chưa chính xác, khiến các cơ sở tiêm chủng khó khăn khi lập kế hoạch hoặc không nắm được chính xác tiến độ tiêm.
Đặc biệt, dữ liệu kết quả tiêm của nền tảng tiêm chủng chưa kết nối liên thông với hệ thống chứng nhận tiêm được ký số theo tiêu chuẩn của EU và WHO. Bộ Y tế đề xuất tiếp tục phối hợp Tập đoàn SOVICO xây dựng kho dữ liệu tập trung về phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế; đồng thời liên thông kết nối dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu phòng, chống dịch của Bộ với hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ…
Người dùng chóng mặt vì khai ứng dụng
Nói về thực trạng app khai báo y tế hiện nay, bạn đọc (BĐ) Hoài cho biết: “Nói thật, nhìn một “rừng” app về y tế như hiện nay mà… thấy chóng mặt, xanh đỏ tím trắng, đủ màu sắc. Chẳng biết nên xài cái nào cho an toàn và chính xác. Nhiều app bị người dùng chấm điểm rất thấp. Chẳng biết đâu mà lần”. Đây cũng là bối rối của rất nhiều BĐ khác. BĐ Kiều Hà đặt câu hỏi: “Sao lại có hàng tá app như vậy nhỉ? SSKĐT, Bluezone, Ncovy… của Bộ Y tế đã có 3 cái rồi, giờ lại thêm app của Bộ Công an, rồi nhiều tỉnh, thành mỗi tỉnh cũng có 1 cái app”.
Cùng quan điểm nhưng BĐ Tuan Le thì thẳng thắn: “Cơ quan, ban bệ nào cũng muốn tự chủ thông tin. Hậu quả là sinh ra quá nhiều app, người dân tải về, điền thông tin thôi đủ mệt”.
Trong khi đó, phản ánh về app SSKĐT hiện nay, nhiều BĐ cho biết thông tin về tiêm chủng không chính xác: đã chích 2 mũi mà ghi là chưa chích mũi nào, hoặc đã chích 2 mũi mà chỉ thể hiện 1 mũi, hoặc chưa chích mũi nào mà đã ghi tiêm 2 mũi; đã gửi chỉnh sửa nhưng gửi mấy lần, mấy ngày rồi mà thấy vẫn như… cũ.
Khẩn trương thống nhất một app trên toàn quốc
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra hôm 11.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thống nhất một app trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Rất nhiều BĐ ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng. Theo BĐ Thục Quyên, đây là điều nên làm sớm, vì “Một app tốt sẽ giúp tiết kiệm được nhiều kinh phí, trí tuệ, thời gian… đang bị dàn trải cho nhiều app như hiện nay, khi mà lẽ ra chúng ta phải dành những nguồn lực đó để tập trung phòng chống dịch hiệu quả nhất”.
Nói về mong ước một app tốt nhất, thuận tiện nhất, dễ sử dụng nhất cho mọi người, nhiều BĐ cho rằng đó phải là app tích hợp nhiều thông tin cần thiết, chính xác nhưng đơn giản, ai cũng có thể sử dụng được, không bị lỗi như nhiều app hiện đang có. Trong đó, việc chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 (căn cứ để đánh giá thẻ xanh – người tiêm 2 mũi và thẻ vàng – người tiêm 1 mũi) được rất nhiều BĐ quan tâm. BĐ Phi Cường viết: “Cái “hộ chiếu vắc xin” này rất quan trọng, phải sử dụng thống nhất trong cả nước, và có liên thông với nhiều nước, để tiện cho người dân khi đi du lịch”.
* Càng đưa ra nhiều app thì càng rắc rối cho người dân.
Huong Ledong
* Sao không tập trung tổng lực trí tuệ vào 1 – 2 ứng dụng thôi? Dữ liệu của cả thành phố, rộng hơn là cả nước đó, chớ có phải chuyện đùa đâu mà làm kiểu mạnh ai nấy làm, vừa không hiệu quả vừa tốn kém.
Tuấn Nguyễn
* IT giỏi ở VN ta rất nhiều, nên tập hợp lại vì mục đích chung. Không thể đơn vị nào thích thì tự viết phần mềm sơ sài, chưa được thẩm định và phê duyệt đã đem vào áp dụng. Người làm thì có thể tặc lưỡi cứ đem áp dụng có gì không ổn thì sửa lại, nhưng vô hình trung bị rò rỉ thông tin cá nhân thì người sử dụng sẽ là đối tượng có thể gặp rủi ro.
Khuongpd
|