Thursday, July 25, 2024

Di tích cây cầu đá 151 năm tuổi cần được bảo vệ

Trải qua 151 năm, từng là khu vực trên bến dưới thuyền với các hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp, đến nay cầu đá vẫn là niềm tự hào và là nơi lưu giữ ký ức của người dân thôn Hà Tràng.

Cây cầu đá và chùa Linh Ứng tại thôn Hà Tràng (xã Thăng Long, TX.Kinh Môn, Hải Dương) đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1999.
Di tích cây cầu đá 151 năm tuổi cần được bảo vệ

Học sinh thôn Hà Tràng đi học qua cầu đá

MINH PHONG

Ông Phạm Hữu Hạnh, Trưởng thôn Hà Tràng, cho biết theo văn bia Hà Tràng kiều bi ký dựng vào năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876) và truyền thuyết ở địa phương thì cầu có tên Kinh Môn thái tự kiều, dân quen gọi là cầu Hà Tràng, bắc qua sông Tràng, một dòng sông cổ bắt nguồn từ núi Ngọc thuộc dãy An Phụ, đổ ra sông Kinh Môn.

Khi xưa, sông Tràng sâu khoảng 8 m, 2 bờ cách nhau gần 26 m, có cầu gỗ bắc qua đi liên thôn. Trong làng có cụ Nguyễn Đức Học từng làm quan triều Nguyễn, thấy cầu gỗ dễ hỏng nên đứng ra họp bàn tập trung sức lực để xây lại cầu. Dân trong vùng nghe tin đều hăng hái quyên góp, giúp đỡ.

Cầu đá Hà Tràng được khởi công xây dựng từ tháng 8.1873 và hoàn thành vào tháng 4.1874, do các nghệ nhân làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ (trước là xã Phạm Mệnh, nay là P.Phạm Thái, TX.Kinh Môn) thi công.

Trước đây, cầu dài 25,2 m; rộng 1,60 m; gồm 15 nhịp, mỗi nhịp được ghép bằng 3 phiến đá dày 20 cm. Nối giữa các nhịp với nhau là 3 trụ tròn, mỗi nhịp tạo dáng riêng, nhịp giữa dài 2,4 m. Trên mặt cầu, phiến đá dài nhất 2,4 m, rộng 80 cm, mép ngoài phía trên mặt của phiến đá được chế tác tỉ mỉ với 3 đường chỉ thẳng tắp.

Bà Phạm Thị Yến (75 tuổi), người dân thôn Hà Tràng sinh sống gần cầu đá, cho hay xưa kia bà có nghe các cụ cao niên trong thôn kể lại, trước đây sông này rộng và sâu, thuyền bè còn qua lại được.

Di tích cây cầu đá 151 năm tuổi cần được bảo vệ

Các phiến đá ghép trên mặt cầu đã xuất hiện những khe hở lớn

MINH PHONG

Theo khảo sát thực tế của PV Báo Thanh Niên, hiện nay, trải qua hơn 1 thế kỷ, dân cư đã trở nên đông đúc, việc làm nhà cửa, sản xuất, chăn nuôi xâm lấn sông Tràng khiến dòng sông ngày càng bé lại. Hiện cầu chỉ còn 13 nhịp do quá trình người dân làm đường đã trùm lên 2 đầu cầu mất 2 nhịp.

Cầu còn 15 dầm nhô ra 2 bên, khắc đầu rồng hoặc hoa văn vân mây, chữ triện, trên mặt cầu ở các nhịp đều khắc 4 hình hoa cúc nổi và kẻ 2 chỉ dầm nhô ra ngoài. Sông Tràng bây giờ như một dòng kênh nhỏ, lòng kênh bùn ngập gần mặt cầu, nước kênh bẩn, cỏ dại, bèo tây mọc um tùm. Tất cả đã làm giảm giá trị lịch sử, văn hóa và gây biến dạng kiến trúc của cây cầu.

Theo ông Hạnh, lần trùng tu cầu đá Hà Tràng gần đây nhất đã vào khoảng 40 năm. Thời điểm đó, do quá trình xâm lấn của khu dân cư 2 bên cầu đã khiến sông Tràng bị bồi lấp, trụ cầu và mặt cầu bị lún. Nhân dân đã nâng cấp độ cao, xây các trụ cầu, bên ngoài trát xi măng.

“Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, cầu đá Hà Tràng tiếp tục xuống cấp, mặt cầu có hiện tượng bị giãn, tạo nên những kẽ hở giữa các tấm đá ghép trên mặt cầu, độ cong của cầu cũng bị biến dạng. Năm 2019, chính quyền địa phương đã trình phương án tôn tạo, tu bổ cầu đá và đã được UBND tỉnh Hải Dương đồng ý chủ trương. Việc tôn tạo dự định sẽ được tiến hành, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian này, đồng thời chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa thể thực hiện được. Chúng tôi dự kiến trong thời gian tới sẽ triển khai, nguồn vốn dựa vào ngân sách và xã hội hóa”, ông Hạnh nói thêm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi