Friday, September 6, 2024

Hoạch định chiến lược ‘nuôi’ thương hiệu thời trang Việt

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để định hình thương hiệu thời trang Việt trên thị trường quốc tế, đầu tiên cần hoạch định, chọn ra sản phẩm xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó có chiến lược ‘nuôi’ trong dài hơi.

Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng, định hình thương hiệu thời trang Việt trên thị trường quốc tế thời gian qua, nhìn từ góc độ doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước?

Ông Vũ Đức Giang: Nhìn từ góc độ doanh nghiệp dệt may như Việt Tiến, May 10, An Phước…, phải khẳng định các doanh nghiệp đã có vị trí trong nước. Họ cũng đã có vị trí ở thị trường quốc tế. Ví dụ, Việt Tiến đã có hệ thống phân phối tại Lào và vừa kỷ niệm 15 năm thương hiệu Việt Tiến tại Lào và khối ASEAN…

Hoạch định chiến lược 'nuôi' thương hiệu thời trang Việt

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang

ẢNH: VITAS

May 10 đang bán hàng trên hệ thống Amazon. Cạnh đó, Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước và rất nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng đang bán hàng trên hệ thống online như vậy. Đây là cách tiếp cận của các doanh nghiệp, đưa thương hiệu VN vào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, về chiến lược thương hiệu, phải hiểu bản chất thương hiệu không phải của doanh nghiệp nữa mà của một quốc gia. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Chính phủ hoạch định giải pháp về xây dựng một số thương hiệu có tiếng, có sự ảnh hưởng đến thị trường trong nước và lan tỏa, có vị thế toàn cầu.

Thực tế từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Việc định hình thương hiệu thời trang Việt trên thị trường quốc tế chưa được cơ quan quản lý nhà nước dành sự quan tâm đúng mức. Ví dụ, vấn đề thương hiệu này phải tập trung cho thị trường châu Âu, Mỹ thế nào, thị trường khối ASEAN ra sao… chưa từng được đặt ra.

Theo ông, để thời trang Việt xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia có độ nhận diện cao, có khả năng định hình trên thị trường quốc tế, cần triển khai các giải pháp mang tính căn cơ ra sao?

Theo tôi, trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước phải hoạch định ra sản phẩm nào là sản phẩm đưa vào xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa ra thị trường thế giới. Các bộ, ngành quản lý lĩnh vực phải báo cáo Chính phủ để hoạch định ra việc chọn những thương hiệu. Với ngành dệt may, Bộ Công thương phải làm điều này. Bộ Công thương phải trình Chính phủ đưa ra hoạch định cụ thể chọn những thương hiệu nào của đơn vị nào để chúng ta “nuôi”, xây dựng cho chiến lược phát triển trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí là trong 50 – 100 năm tới.

Khi chọn ra những thương hiệu cụ thể, nhà nước cần hoạch định cho việc hỗ trợ về tài chính, điều kiện để “nuôi” thương hiệu, đồng thời đặt ra những mục tiêu cụ thể. Ví dụ, đưa ra lộ trình 5 năm tới phát triển thương hiệu thế nào, doanh thu ra sao; 10 năm tới phát triển thế nào, chiếm lĩnh thị trường khu vực nào… Bộ Công thương nên có những quy chế để phát triển thương hiệu đó thâm nhập thị trường toàn cầu.

Ông từng nhiều lần nhắc tới việc muốn định vị thương hiệu thời trang Việt trên thị trường quốc tế, tạo “sân chơi” cho các nhà thiết kế thời trang rất quan trọng. Điều này có thể hiện thực hóa ra sao, thưa ông?

Theo tôi, khi đã hoạch định được thương hiệu thời trang mang tầm thương hiệu quốc gia, Chính phủ nên sớm ban hành những định hướng tạo “sân chơi” cho các nhà thiết kế thời trang. Phải có “sân chơi” để họ trình diễn, giới thiệu những mẫu mã ra thị trường thế giới.

Hoạch định chiến lược 'nuôi' thương hiệu thời trang Việt

Một số sản phẩm thời trang của các thương hiệu May 10 đăng tải trên trang web công ty

ẢNH: T.L

Để xây dựng những thương hiệu có tên tuổi như Zara, H&M, Adidas…, nhà nước, địa phương, cụ thể là TP.HCM và Hà Nội nên xây dựng trung tâm phát triển ngành công nghiệp thời trang, trung tâm về ý tưởng sáng tạo cho ngành thiết kế thời trang của VN.

Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang thế giới đều có những trung tâm như vậy. Ví dụ, ngành công nghiệp thời trang của Hàn Quốc, ở Seoul và một số địa phương lớn đều có trung tâm phát triển mẫu, tạo “sân chơi” cho các nhà thiết kế. Tại Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức, Ý… cũng tương tự, đều có các trung tâm phát triển thiết kế. VN chưa tập trung vào khía cạnh này.

Chưa thực sự tự chủ nguồn nguyên phụ liệu đã và đang là điểm yếu không nhỏ đối với dệt may Việt Nam. Theo ông, điều này cần khắc phục ra sao nếu muốn thực sự phát triển ngành công nghiệp thời trang thời gian tới?

Phải chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mới có thể nói tới phát triển công nghiệp thời trang. Chúng ta đang làm thời trang trên nguyên liệu của người khác. Ví dụ, ngành công nghiệp sản xuất vải của VN đang không bắt kịp với xu thế ngành công nghiệp thời trang thế giới, chúng ta phải nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Hoạch định chiến lược 'nuôi' thương hiệu thời trang Việt

Một số sản phẩm thời trang của các thương hiệu Việt Tiến đăng tải trên trang web công ty

ẢNH: T.L

Muốn làm thương hiệu phải có cái gốc là nguyên liệu, hay nói cách khác, nếu không có nguyên liệu thì làm sao làm được thương hiệu? Khắc phục điều này, cần có một chiến lược rõ ràng từ T.Ư tới địa phương.

Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ ban hành từ cuối năm 2022 có đề cập câu chuyện phát triển nguyên phụ liệu, song đến nay chưa đi vào thực tiễn đời sống.

Muốn chiến lược “sống” được, Bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ và Chính phủ “ra tay” hoạch định tại các địa phương. Địa phương nào có khu công nghiệp dệt may thì tạo điều kiện để họ tiếp tục mở rộng, hoặc hoạch định rõ ràng, miền Trung có bao nhiêu khu công nghiệp phải có phân khúc của việc dệt nhuộm; miền Nam và miền Bắc cũng tương tự.

Cạnh đó, cần hoạch định rõ, ví dụ địa phương A, B, C tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp đó phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn mực xử lý nước thải để kêu gọi đầu tư vào phần dệt nhuộm đang thiếu.

Ngoài ra, nhắc tới định vị thương hiệu thời trang Việt trên thị trường quốc tế, điều kiện cần và điều kiện đủ là phải hoạch định chiến lược kết nối giữa ngành công nghiệp kéo sợi, ngành công nghiệp dệt nhuộm và công nghiệp may; đưa ra tiêu chuẩn cho việc hoạch định thương hiệu thời trang của VN.

Chúng ta phải xây dựng tiêu chuẩn, uy tín của VN. Nhà nước cam kết tuân thủ các điều kiện về luật môi trường, tuân thủ các chính sách về trách nhiệm xã hội, chính sách phát triển xanh, bền vững. Đã là thương hiệu thì phải “nuôi”, là thương hiệu thì phải tuân thủ, làm đạt tất cả các chuẩn mực để người tiêu dùng của VN nói riêng và người tiêu dùng thế giới nói chung nâng niu, trân trọng thương hiệu đó.

Xin cảm ơn ông! 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi