Nằm sừng sững giữa vùng đồng bằng trù phú của tỉnh Tây Ninh, ngọn núi thiêng Bà Đen là nơi để hàng triệu người dân và du khách đến hành hương chiêm bái mỗi năm.
Lễ tạ thiêng liêng vào cuối năm
Vào tháng chạp hằng năm, người Việt trên khắp cả nước lại sửa soạn các nghi thức tâm linh để tiễn năm cũ và hân hoan đón một năm mới bình an, may mắn. Một trong những nghi thức cổ truyền quan trọng phải kể đến là lễ tạ cuối năm.
Theo dân gian, lễ tạ xuất phát từ lòng thành kính, tin tưởng đối với tổ tiên và các vị thần linh. Hơn cả, truyền thống của người Việt là uống nước nhớ nguồn, sống có lẽ trước – sau. Bởi lẽ đó, người Việt có quan niệm đầu năm đi chùa cầu may, thì cuối năm cúng trả lễ. Dù có bận rộn đến đâu cũng phải cố gắng thực hiện lễ tạ. Đây cũng chính là truyền thống tốt đẹp và thể hiện lòng hướng thiện của người Việt.
Tại Nam bộ, vào tháng cuối cùng của năm cũ, hàng ngàn người dân và du khách đến với núi Bà Đen Tây Ninh, ngọn núi thiêng huyền thoại, để tạ lễ cuối năm với những nghi thức trang trọng, thiêng liêng.
Nằm ở độ cao 986 m so với mực nước biển, núi Bà Đen gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu, một biểu tượng của lòng từ bi và cứu độ chúng sinh với người dân Nam bộ.
Hằng năm, nếu như đầu năm, núi Bà Đen đón hàng vạn người dân gửi gắm ước nguyện về một năm mới hanh thông, an lành; thì cuối năm, ngọn núi thiêng lại đón hàng vạn du khách trở lại để tạ ơn Linh Sơn Thánh Mẫu.
Với người dân Nam bộ, Linh Sơn Thánh Mẫu là vị thần chủ của ngọn núi Bà Đen, là một vị Bồ Tát nổi tiếng linh thiêng. Cuối năm là thời điểm để nhân dân đến núi Bà, thể hiện lòng thành kính, tạ ơn Bà đã ban may mắn, sức khỏe, tài lộc, thuận lợi trong năm cũ, theo đúng quan niệm “có vay có trả” của người Việt.
Chị Nguyễn Ngọc Lan (ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đến đây hành hương ít nhất hai lần, đầu năm đi xin lộc và cuối năm đi trả lễ. Tạ lễ tại đây cũng đơn giản lắm, bằng lòng thành kính thôi. Ở đây có 6 ngôi chùa, nhưng Linh Sơn Tiên Thạch tự và Điện Bà là nơi quan trọng nhất để gia đình tôi dâng hoa, quả, lễ vật để mong Bà chứng giám lòng thành”.
Không chỉ tạ lễ tại chùa Bà, đỉnh núi Bà Đen còn là nơi để nhân dân và du khách thực hiện các nghi lễ thiêng liêng và tạ ơn trước tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn hùng vĩ tượng trưng cho lòng từ bi phổ độ chúng sinh. Cũng tại nơi đây, hàng ngàn du khách cùng đảnh lễ trước xá lợi Phật Thích Ca với một niềm tin về sự hiện hữu của Đức Phật giữa ngọn núi linh thiêng.
Đặc biệt, với nhiều người, chiêm bái trước tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới trên đỉnh núi Bà Đen cũng là thời khắc để cảm nhận được sự vui vẻ và thư thái trong tâm hồn, cảm thấy như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, tiếp thêm niềm vui và sự hân hoan để tiễn năm cũ và đón năm mới bình an.
Anh Nguyễn Văn Đức (Long An) chia sẻ: “Tôi đến núi Bà Đen để tạ lễ cuối năm, gói ghém lại những bộn bề của năm cũ. Đây cũng là lúc để tôi cầu nguyện trước tượng Di Lặc, mong được Bồ Tát ban cho một năm mới thật nhiều niềm vui, giống như nụ cười hoan hỉ của Di Lặc vậy. Tôi nghĩ, được sống vui vẻ và buông xả chính là đã đạt được hạnh phúc rồi”.
Đặc biệt, vào lễ tạ cuối năm, một nghi lễ mà du khách không thể bỏ qua vào các buổi tối thứ bảy hằng tuần là lễ dâng đăng – một nghi thức thiêng liêng mang dấu ấn đặc trưng riêng có của ngọn núi cao nhất Nam bộ. Giữa không gian huyền ảo của đỉnh núi thiêng, hàng ngàn ngọn đèn đăng được thắp sáng lung linh. Những ngọn đèn đăng do chính tay du khách viết lời tạ ơn và gửi gắm ước nguyện sẽ được thả bên đĩa nước dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tạo nên không gian lung linh tựa đêm ngàn sao trên nóc nhà Nam bộ.
Năm mới hoan hỉ với hội xuân kéo dài suốt tháng giêng
Ngay sau mùa lễ tạ, người dân Nam bộ sẽ bước vào mùa xuân Di Lặc kéo dài suốt những ngày đầu xuân năm mới, là thời khắc để hàng ngàn nguyện ước được dâng lên, và ước mơ về một mùa xuân mới ngập tràn niềm vui được gửi gắm trước tôn tượng Bồ Tát Di Lặc – biểu tượng của lòng hoan hỉ.
Đầu xuân, du khách đến với “nóc nhà Nam bộ” lại hân hoan chào đón năm mới với lễ hội xuân núi Bà – lễ hội lớn bậc nhất trong năm với niềm tin về một năm mới an yên, hạnh phúc. Diễn ra thường niên tại khu du lịch núi Bà Đen vào những ngày đầu năm mới, Hội Xuân núi Bà là lễ hội lớn nhất và được người dân Tây Ninh đón đợi nhất trong năm. Được tổ chức với quy mô hoành tráng cùng hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, Hội xuân núi Bà hằng năm được đánh dấu bằng đêm khai mạc quy mô kết hợp màn pháo hoa hoành tráng, cùng một loạt các hoạt động nghệ thuật đậm sắc màu văn hóa bản địa liên tục được biểu diễn tại Sun World Ba Den Mountain trong suốt tháng giêng. Đây cũng là dịp để nhân dân và du khách hòa mình vào không khí đậm sắc xuân rực rỡ với hàng vạn bông hoa tulip bung nở cùng hàng trăm loài hoa khoe sắc trên đỉnh núi cao nhất Nam bộ.
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới từ hàng trăm năm qua, núi Bà Đen đã trở thành nơi để nhân dân thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt và kiếm tìm niềm hạnh phúc đích thực.
Núi Bà Đen được biết đến là một trong số ít các huyệt đạo thiêng nhất của nước Việt Nam, đặc biệt nơi đây gắn liền huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu – một tượng đài trong đời sống tín ngưỡng của người dân Nam bộ.
Trong Gia Định thành thông chí, một sử liệu quan trọng về Nam bộ thời nhà Nguyễn của Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ 19, núi Bà Đen được mô tả như sau: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù. Tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”.
Theo đó, núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế.
Nguồn: thanhnien.vn