(Tổ Quốc) – Số lượng VĐV trẻ tham dự giải Vô địch trẻ trượt băng quốc gia 2024 tăng gần gấp đôi so với mùa giải năm ngoái đã cho thấy bộ môn đang có những bước phát triển vững chắc tại Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội.
(Tổ Quốc) – Số lượng VĐV trẻ tham dự giải Vô địch trẻ trượt băng quốc gia 2024 tăng gần gấp đôi so với mùa giải năm ngoái đã cho thấy bộ môn đang có những bước phát triển vững chắc tại Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội.
Hướng tới các mục tiêu quốc tế
Chiều 3/11 vừa qua, giải Vô địch trẻ trượt băng quốc gia 2024 đã khép lại sau 2 ngày tranh tài. Giải đấu năm nay có sự đổi mới lớn khi Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam đưa vào nhiều nội dung thi đấu với nhiều lứa tuổi bao gồm các lứa tuổi nhỏ và lứa tuổi thanh thiếu niên. Thống kê cho thấy, so với giải tổ chức vào tháng 2 năm ngoái, số lượng VĐV trẻ tham dự năm nay đông gần gấp đôi.
Đây là tín hiệu đáng mừng với Trượt băng khi bộ môn đang có những bước phát triển vững chắc tại Việt Nam. Số lượng VĐV tham dự đông đảo không chỉ chứng minh cho sự quan tâm từ xã hội đối với Trượt băng, mà còn giúp tăng tính cạnh tranh cũng như góp phần nâng cao chất lượng giải.
Mùa giải 2024 cũng nhận được đánh giá cao về mặt chuyên môn khi Ban tổ chức giải đã mời 5 thành viên là giám sát, kiểm soát viên kỹ thuật, giám khảo, chuyên gia kĩ thuật, kiểm soát viên dữ liệu quốc tế đến từ các quốc gia Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia tham gia chấm giải. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng chuyên môn tốt nhất, ngay trước thềm giải đấu, Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam đã phối hợp với Liên đoàn trượt băng thế giới tổ chức chương trình tập huấn cho HLV và VĐV Việt Nam.
“Dù là một trong những môn thể thao mới tại Việt Nam, nhưng Trượt băng đã cho thấy sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng khi nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, các VĐV tham gia thi đấu cũng nhận được sự đầu tư về dụng cụ, tập huấn, thi đấu” – bà Trịnh Thị Trang, Tổng Thư ký Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam cho biết.
Trong những năm qua, công tác phát triển Trượt băng tại Việt Nam ghi nhận nhiều thành quả tích cực trên đấu trường quốc tế. Gần nhất, tại Ngày hội Trượt băng Thế giới 2023 được tổ chức tại Saitama, Nhật Bản hồi tháng 3/2023, Việt Nam đã giành thứ hạng 2/57 quốc gia tham dự.
Những thành tích ấn tượng giúp Trượt băng Việt Nam nhận được đánh giá cao từ Liên đoàn Trượt băng thế giới, từ đó mang về những hỗ trợ về tài chính, tập huấn, đào tạo… Bà Trịnh Thị Trang nhận định, Trượt băng Việt Nam tuy vẫn khiêm tốn về số lượng HLV, VĐV nhưng các HLV của Việt Nam đều là những người được đào tạo bài bản, từng tập luyện, thi đấu tại các giải quốc tế. Cùng với đó tuổi đời của các VĐV đều rất trẻ, có tâm huyết với bộ môn và nhận được sự đầu tư lớn.
“Trước mắt, mục tiêu hướng tới của Liên đoàn là Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2025 được tổ chức tại Trung Quốc và SEA Games 2025 tại Thái Lan. Chúng tôi không dám đặt kỳ vọng quá nhiều tại Á vận hội mùa đông nhưng đây sẽ là cơ hội để các VĐV tích lũy kinh nghiệm, cọ xát, chuẩn bị cho SEA Games. Trong đó, Liên đoàn tự tin kỳ vọng vào thành tích huy chương của trượt băng tốc độ” – bà Trịnh Thu Trang chia sẻ.
Dẫu vậy, để có được sự phát triển tốt trên phương diện thành tích cao, công tác phát triển từ cấp độ phong trào chắc chắn là yếu tố quan trọng. Trong đó, yếu tố địa phương luôn được đánh giá có vai trò quan trọng
Cần sự chung tay của các địa phương
Đối với Trượt băng, công tác phát triển phong trào bộ môn này gặp khá nhiều khó khăn bởi tính đặc thù về sân bãi. Hiện chỉ có Hà Nội và TP. HCM có đầy đủ điều kiện tập luyện.
“Mỗi bộ môn sẽ có những khó khăn riêng trong công tác phát triển. Với Trượt băng, khó khăn lớn nhất là sân bãi. Hiện mới chỉ có Hà Nội, TP. HCM và sắp tới là Đà Nẵng có địa điểm tập luyện. Tiếp đến là thời gian tập luyện cho VĐV. Các VĐV của chúng ta không có thời gian “lock sân” (thời gian giành riêng cho VĐV tập luyện) mà phải tập ở những khung giờ vắng hoặc tập chung với người chơi trải nghiệm. Hay một số địa phương như Hải Phòng, Thái Nguyên… thường đưa VĐV đến Hà Nội tập các ngày cuối tuần, thời gian còn lại tập off-ice (tập không băng)” – Bà Trịnh Thu Trang cho biết.
Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho rằng, nếu muốn phát triển bộ môn rộng hơn, cần phải có chiến lược cụ thể: “Trượt băng là môn thể thao mới ở Việt Nam, dù có khoảng 1.000 người tham gia chơi, tập luyện nhưng điều kiện về cơ sở vật chất của chúng ta vẫn rất hạn chế nên chưa có sự phát triển mạnh. Nếu muốn phát triển rộng hơn rộng hơn, có thêm nhiều VĐV xuất sắc thì phải có chiến lược, làm việc với các đơn vị doanh nghiệp để tập trung đầu tư thêm các sân băng tại tỉnh, thành; tổ chức giải ở các cấp độ khác nhau….Nếu xây dựng được hệ thống hoàn thiện như vậy thì số lượng người chơi sẽ nhiều hơn, qua đó có nhiều lựa chọn VĐV vào Đội tuyển quốc gia”.
Cùng với đó, sự hỗ trợ từ các địa phương sẽ góp phần thúc đẩy phát triển. Hiện, cả Hà Nội và TP. HCM đều đã có những cơ chế dành cho phát triển thể thao phong trào nói chung và Trượt băng nói riêng. Với Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 được dự đoán sẽ tạo nhiều cơ chế mở cho các hoạt động phong trào, tuyển chọn, đào tạo VĐV.
“Luật Thủ đô có nhiều cơ chế mở với VHTT, trong đó, Thể thao có nhiều cơ chế chính sách liên quan tới chế độ đãi ngộ với VĐV, đặc biệt là các VĐV của đội tuyển. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu thành phố hoàn thiện, nâng thêm mức đãi ngộ với VĐV. Chắc chắn trong tương lai, với các có chế mở, Thể thao Hà Nội nói chung và Trượt băng sẽ có bước phát triển mới” – ông Phạm Xuân Tài cho biết./.