Sunday, May 5, 2024

Những giọng hát nhạc Trịnh khó quên: Khánh Ly – người viết biên niên sử nhạc Trịnh

Với hình ảnh, mối quan hệ và giọng hát đặc biệt, ca sĩ Khánh Ly là người viết biên niên sử nhạc Trịnh trọn vẹn, sâu sắc và thành công đến nay.

 

 

Đem nhạc Trịnh ra nước ngoài

Nhiều người thường nhận định Khánh Ly nổi tiếng được nhờ nhạc Trịnh, nếu không có nhạc Trịnh sẽ không có Khánh Ly. Nhưng trên thực tế, trước khi đến với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã hát nhạc của những nhạc sĩ khác và có thành công nhất định với Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Cao…

Bản thân nhạc Trịnh cũng được một số ca sĩ thể hiện từ trước, nhưng chỉ tới khi Khánh Ly bước chân vào mới thực sự thăng hoa, chiếm lĩnh khán giả. Nói cách khác, Khánh Ly không phụ thuộc vào nhạc Trịnh một chiều mà đóng vai trò người ký giả đặc biệt, viết trọn vẹn nhạc Trịnh qua giọng hát và song hành cùng nó không thể tách rời.

Những giọng hát nhạc Trịnh khó quên: Khánh Ly - người viết biên niên sử nhạc Trịnh

Giọng ca Khánh Ly gắn với sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Rõ ràng, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều đã đi biểu diễn nhiều nơi trước đó, nhưng chỉ đến khi kết hợp lại cùng nhau, họ mới tạo nên kỳ tích. Đó là thứ kỳ tích về giai điệu, giọng hát, chất nhạc và quan trọng hơn cả là gắn chặt với thời đại, mang dấu ấn của lịch sử, như Trịnh Công Sơn từng nói: “Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly”.

Khánh Ly hát nhạc Trịnh đầy đủ nhất các mảng nhạc, từ tình ca tới nhạc Da Vàng. Chính Trịnh Công Sơn từng nói, ông cho phép mình tập trung viết những ca khúc cho riêng giọng hát của Khánh Ly.

Mối quan hệ giữa Khánh Ly và nhạc sĩ họ Trịnh thật đặc biệt. Họ không phải anh em, tình nhân hay bạn bè mà là sự đồng điệu về tâm hồn, thức cảm, là “một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất” (chữ trong hồi ký của bà Khánh Ly – NV). Nhờ đó, Khánh Ly được đích thân Trịnh Công Sơn cắt nghĩa từng ngôn từ, truyền tải tinh thần âm nhạc rõ nét nhất.

Chính sự đồng điệu này giúp Khánh Ly hiểu nhạc Trịnh từ sâu thẳm, để tạo nên mối quan hệ của lịch sử, gắn với nhiều biến động, phong trào văn hóa, tư tưởng… chứ không chỉ đơn giản là giữa ca sĩ và nhạc sĩ.

Nói cách khác, Khánh Ly với tiếng hát và hình ảnh độc đáo (mái tóc đen dài, đôi chân trần, vóc dáng hao gầy, chất giọng bàng bạc, cuộc đời lang bạt, hòa mình cùng quần chúng) đã tạo nên cả một hình tượng văn hóa, nghệ thuật cho nhạc Trịnh, vượt ngoài một ca sĩ thể hiện đơn thuần. Hình tượng này chỉ xuất hiện ở đúng thời điểm, hoàn cảnh đó, không thể lặp lại ở các nghệ sĩ sau này.

Đó là lý do vì sao Khánh Ly lại là người duy nhất đem nhạc Trịnh vươn ra ngoài, được người Nhật Bản yêu thích đến thế. Album nhạc Trịnh do Khánh Ly thể hiện đạt kỷ lục bán tới 2 triệu bản tại Nhật. Bản thân bà cũng nhiều lần được mời sang Nhật trình diễn, thu âm. Khánh Ly từng tâm sự: “Hãng đĩa và đài truyền hình Nhật còn cho người bay sang Mỹ để thu cho tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là xe limousine. Người Nhật cho xe limousine tới đón tôi rồi đưa lên phòng thu, oai lắm”.

Tiếng hát độc đáo

Ngoài những điều kiện bên lề như hình ảnh, hoàn cảnh sống, lịch sử, văn hóa xã hội, tiếng hát Khánh Ly chính là yếu tố quan trọng nhất giúp nhạc Trịnh thăng hoa và ghi dấu đậm nét nhất trong lòng công chúng.

Khánh Ly không phải ca sĩ được học hành trường lớp bài bản. Bà hát chủ yếu theo bản năng, cảm nhận riêng từ trái tim, tâm hồn và được chính Trịnh Công Sơn cắt nghĩa. Nhưng chính những điều đó lại khiến bà trở thành tượng đài nhạc Trịnh không thể thay thế.

Khánh Ly sở hữu giọng nữ trung có âm sắc đặc biệt, tối và hơi khàn, mang một chút nasal. Giọng hát này khá hiếm khi pha trộn âm sắc kim và mộc (thời trẻ), mộc và thổ (khi có tuổi).

Chính sự pha trộn âm sắc này tạo nên tính liêu trai, u tịch, mê hồn và đậm màu tâm linh, triết học cho tiếng hát Khánh Ly khi thể hiện nhạc Trịnh, mà suốt nửa thế kỷ qua vẫn không ca sĩ nào có được. Cũng có người bắt chước cách bà hát, nhưng đều chỉ dừng lại ở bắt chước thiếu tự nhiên.

Nếu nghe kỹ sẽ thấy giọng Khánh Ly có chút khàn nhẹ, như vương vấn khói thuốc. Nó thể hiện sự từng trải, phiêu bạt của một con người rong ruổi khắp bốn phương tứ xứ, sống đời sống của nhiều tầng lớp người, với tinh thần hiện sinh sâu sắc, lại trải qua nhiều biến động, hợp nhất cùng nhạc Trịnh. Chính khói thuốc đã vương vấn, phả vào giọng hát Khánh Ly một chất khàn nhẹ và độ khè đặc biệt, giúp bà hát nhạc Trịnh trải hơn, đời hơn và “phủi” hơn.

Cách hát chậm rãi, tự sự của Khánh Ly mang đậm chất folky (một trong những chất nhạc phổ biến của nhạc hiện sinh) và điệu blues, tự nhiên, mộc mạc, giản dị, hát như nói, không cầu kỳ, hoa mỹ, đề cao âm sắc tự nhiên. Lối hát này hợp nhất với âm nhạc hiện sinh nói chung và thích hợp với mọi ca khúc của Trịnh Công Sơn nói riêng, tạo nên cả một mảng âm nhạc văn hóa, đúng như lời Trịnh Công Sơn từng nói: “Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất”.

Với hình ảnh, mối quan hệ và giọng hát đặc biệt, có thể khẳng định chắc chắn rằng, Khánh Ly chính là người viết biên niên sử nhạc Trịnh trọn vẹn, sâu sắc và thành công nhất tính đến hiện tại. (còn tiếp)

 

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img