Friday, May 3, 2024

Từ vụ nữ sinh viên đột quỵ tại lớp học: Cách nào để phòng ngừa?

Bác sĩ cảnh báo việc thiếu thời gian quan tâm sức khỏe, lười tập thể dục, thể thao, lối sống không lành mạnh, lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

 

Ngày 6.6, thông tin một nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Huế bị đột quỵ ngay tại lớp khiến nhiều người bàng hoàng. Trước đó, sức khỏe của nữ sinh vẫn bình thường. Theo thông tin ban đầu, trong tiết học sáng cùng ngày, sinh viên P.T.N (20 tuổi), quê Thanh Hóa, bất ngờ ngất xuống bàn. Ngay sau đó, nhiều giảng viên và sinh viên có mặt đã tiến hành sơ cứu, đưa em N. đi cấp cứu. Nhờ được cấp cứu kịp thời, nữ sinh đã được cứu sống.

Từ vụ việc này, bác sĩ CKII Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Thần kinh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, đã có những chia sẻ về nguyên nhân đột quỵ ở giới trẻ cũng như cách để phòng ngừa.

 

Từ vụ nữ sinh viên đột quỵ tại lớp học: Cách nào để phòng ngừa?

Nữ sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế bị đột quỵ ngay tại lớp. Nữ sinh được bạn cùng lớp đưa đi cấp cứu kịp thời

Bác sĩ Quyên cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa đột quỵ là một hội chứng lâm sàng, trong đó người bệnh đột ngột tử vong hay đột ngột xuất hiện những triệu chứng tổn thương của não bộ mà nguyên nhân là do trục trặc ở bệnh lý mạch máu não. Biểu hiện bên ngoài là người bệnh liệt nửa người, mất ngôn ngữ, có thể liệt tứ chi.

“Nhiều người trẻ suy nghĩ tôi còn trẻ, còn sức khỏe nên không bị đột quỵ, họ chủ quan cho rằng đột quỵ não chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà bỏ qua việc thăm khám. Tuy nhiên theo thống kê những năm gần đây, người trẻ gặp vấn đề liên quan đến đột quỵ rất nhiều. Trong đó người trẻ từ 18 – 50 tuổi, chiếm 15% của nhóm dân số bị đột quỵ”, bác sĩ Ngọc Quyên nói.

Từ vụ nữ sinh viên đột quỵ tại lớp học: Cách nào để phòng ngừa?

Lạm dụng bia rượu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Bác sĩ Quyên cho rằng đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế bia rượu, nói không với thuốc lá. Khói thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch gây tổn hại từ bên trong.

Đối với việc phòng ngừa đột quỵ, theo bác sĩ Quyên người trẻ nên tập thể dục thường xuyên, tập điều độ, cường độ tăng dần, tốt nhất tập thể dục 5 ngày/tuần, mỗi ngày tập từ 30-45 phút. Để có chế độ tập thể dục tốt, người trẻ cần có sự tư vấn của chuyên gia sức khỏe, để có những bài tập phù hợp và không có hại cho sức khỏe. 

“Nhiều người trẻ đến bệnh viện cấp cứu vì tập thể dục sai cách, tập cường độ cao. Những động tác khó, có thể gây ảnh hưởng đến những mạch máu lên nuôi não, đặc biệt là vùng cổ rất dễ bị sang chấn. Nếu tập thể dục cường độ cao có thể làm vỡ mạch máu não gây xuất huyết não, dẫn đến đột quỵ”, bác sĩ Quyên cho biết.

Từ vụ nữ sinh viên đột quỵ tại lớp học: Cách nào để phòng ngừa?

Người trẻ thường xuyên tập thể dục, thể thao để phòng ngừa đột quỵ

Theo bác sĩ Quyên, ngày nay, một bộ phận người trẻ có lối sống sinh hoạt ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý dẫn đến mắc các bệnh nền, khiến cho nguy cơ đột quỵ cao hơn, yếu tố gây đột quỵ chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, tiền căn gia đình.

Những bệnh lý về tim, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân, hầu như phát hiện được qua xét nghiệm hay thăm khám sức khỏe thông thường, do đó người trẻ cần quan tâm sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm những xét nghiệm cần thiết để kiểm soát các chỉ số về huyết áp, tiểu đường, nhịp tim, mỡ máu.

“Nhiều bạn trẻ cảm thấy phiền toái khi công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhưng bạn chỉ mất một ngày làm việc và đổi lại là phát hiện được những yếu tố nguy cơ, chữa kịp thời thì giảm đột quỵ. Mỗi người cần lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu đột quỵ cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra”, bác sĩ Quyên nhắn gửi.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img