Saturday, April 27, 2024

Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Bao giờ nhà đầu tư được trả lại tiền?

Nhà đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề nghị được trả lại tiền ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Liệu mong muốn này có cơ sở?

Ngày 20.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 15 bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Theo cáo buộc, thông qua hàng loạt hành vi gian dối trong việc phát hành trái phiếu, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 bị hại.

Đến nay, các bị cáo đã nộp lại và bị tạm giữ tổng cộng hơn 8.600 tỉ đồng, đủ để khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.

Trình bày quan điểm tại tòa, nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn được nhận lại tiền ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Liệu đề nghị này có cơ sở hay không?

xet-xu-vu-an-tan-hoang-minh-bao-gio-nha-dau-tu-duoc-tra-lai-tien

Các nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh làm thủ tục tham gia phiên tòa

Thẩm quyền quyết định thuộc về hội đồng xét xử

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn LS TP.Hà Nội, dẫn quy định tại điều 62 bộ luật Tố tụng hình sự: bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.

Trong vụ án Tân Hoàng Minh, những ai là nhà đầu tư mua trúng 9 lô trái phiếu do tập đoàn này làm trái chủ sơ cấp sẽ được xác định là bị hại.

Theo quy định tại điều 30 bộ luật Tố tụng hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nghĩa là, vấn đề bồi thường cho các nhà đầu tư sẽ được giải quyết khi vụ án lừa đảo của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng các đồng phạm được đưa ra xét xử.

Tại tòa, thẩm quyền quyết định bồi thường cho ai, bồi thường bao nhiêu… sẽ thuộc về hội đồng xét xử, căn cứ vào diễn biến phiên tòa cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, đặt giả thiết nếu số tiền hơn 8.600 tỉ đồng do các bị cáo giữ thì việc bồi thường sẽ do 2 bên tự thỏa thuận. Ngược lại, nếu tiền đang do cơ quan tố tụng tạm giữ thì thẩm quyền quyết định là do hội đồng xét xử.

Quá trình xét xử, hội đồng xét xử sẽ xem xét, đánh giá chứng cứ để xác định bị cáo có phạm tội không, ai là bị hại, có bao nhiêu người, mỗi người bị chiếm đoạt bao nhiêu tiền…

Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án (bị hại) sẽ làm đơn đề nghị tới cơ quan thi hành án, để yêu cầu người có nghĩa vụ thi hành án bồi thường cho mình. Tiếp đó, tiền được chuyển từ cơ quan đang tạm giữ tới cơ quan thi hành án, để trả cho bị hại.

“Việc xem xét, quyết định trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường đối với bị cáo là rất phức tạp, tòa sẽ phải cân nhắc thận trọng, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Rất khó để trả lại tiền cho các nhà đầu tư ngay tại phiên tòa”, luật sư Hùng nhận định.

Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Bao giờ nhà đầu tư được trả lại tiền?

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (bìa phải) cùng một số bị cáo tại tòa

Bị hại muốn trả cả tiền lãi, được không?

Quá trình xét xử, ngoài mong muốn được trả tiền ngay sau khi phiên tòa kết thúc, một số bị hại yêu cầu các bị cáo phải trả cả tiền lãi cho khoản tiền mà mình đã bỏ ra để mua trái phiếu. Theo quy định, đề nghị này có căn cứ không?

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, kết quả điều tra cho thấy 9 lô trái phiếu của 3 công ty Cung Điện Mùa Đông, Ngôi Sao Việt và Soliel được tạo dựng dựa trên hồ sơ sai sự thật. Các bị cáo còn ký hợp đồng giả cách, “chạy” dòng tiền ảo để hợp thức trái chủ cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Như vậy, các lô trái phiếu đã được tạo dựng trái pháp luật. Trường hợp tòa tuyên các bị cáo có tội, nghĩa là trái phiếu không có giá trị, hợp đồng mua bán trái phiếu giữa nhà đầu tư và Tập đoàn Tân Hoàng Minh được coi là vô hiệu.

Khoản 2 điều 131 bộ luật Dân sự quy định: khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Đối chiếu với quy định trên, các bị cáo sẽ phải hoàn trả số tiền (gốc) mà các nhà đầu tư (được xác định là bị hại) đã bỏ ra để mua trái phiếu. Yêu cầu trả tiền lãi theo hợp đồng mua bán trái phiếu là không có căn cứ.

Tuy vậy, các bị hại vẫn có quyền yêu cầu các bị cáo bồi thường khoản tiền lãi đối với số tiền bị chiếm giữ, để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Lãi này là theo lãi suất ngân hàng, chứ không phải lãi trái phiếu như đã nêu ở trên.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img