Saturday, April 27, 2024

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày 12

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát ngày 12, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của Trương Mỹ Lan) trình bày, bị cáo cho vợ mượn tòa nhà Times Square để tái cấu trúc ngân hàng theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, bị cáo ký các biên bản nhưng thực tế bị cáo hoàn toàn không vay mượn hay rút tiền của SCB.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát ngày 12, TAND TP.HCM tiếp tục phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày 12

Các bị cáo tại tòa

Theo đó, gần 200 luật sư bắt đầu tham gia bào chữa cho 86 bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan sau khi đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa luận tội đối với các bị cáo. Ngày 12 xét xử, các luật sư tiếp tục bào chữa cho nhóm cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB.

Đề nghị dùng 1.650 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho chồng và cháu

Chủ tọa cho biết, bị cáo Trương Mỹ Lan có đơn gửi HĐXX đề nghị dùng 1.650 tỉ đồng là tiền của bị cáo để khắc phục hậu quả cho cháu gái là bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) và chồng là bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square). Cụ thể, trong đó gồm 1.000 tỉ đồng do bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) khắc phục hậu quả và 650 tỉ đồng là do các cá nhân khác trả.

Sau đó, luật sư của Trương Huệ Vân mong muốn HĐXX xem xét đề nghị của bị cáo Trương Mỹ Lan, theo đó bị cáo Trương Huệ Vân xem như đã khắc phục được 100% hậu quả do hành vi mà bị cáo gây ra.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ cho hay, không tranh luận về tội danh nhưng mức án đề nghị đối với bị cáo là quá nặng.

Theo luật sư, bị cáo vì tin tưởng vợ và cấp dưới, chỉ có ý định muốn có thiện chí cứu giúp 3 ngân hàng mà nay vướng vòng lao lý. Luật sư cũng đề nghị xác định rõ tính pháp lý của chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân, đồng thời xem xét lại số tiền quy buộc bị cáo gây thiệt hại, luật sư cho rằng số tiền lãi phát sinh không phải là thiệt hại.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày 12

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Theo luật sư bào chữa, hành vi của bị cáo Chu Lập Cơ không gây thiệt hại cho SCB mà người gây thiệt hại là các bị cáo khác.

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Chu Lập Cơ nói, bị cáo đồng ý cho vợ bị cáo mượn tòa nhà Times Square để tái cấu trúc ngân hàng theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo ký các biên bản nhưng thực tế bị cáo hoàn toàn không vay mượn hay rút tiền của SCB.

Bị cáo Chu Lập Cơ bị cáo buộc đã giúp sức cho vợ là Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 9.110 tỉ đồng. Bị cáo bị đề nghị 11 – 12 năm tù tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

‘Bị cáo đã khắc phục 100% thiệt hại’

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) trình bày, bị cáo chỉ có hành vi giúp sức trong khoảng thời gian rất ngắn (năm 2021 – 2022) nên mức án bị Viện KSND TP.HCM đề nghị từ 15 – 16 năm tù về tội tham ô tài sản là quá nghiêm khắc.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng nguyên tắc có lợi đối với bị cáo, cần phân định thiệt hại mà bị cáo gây ra so với vụ án để có một mức hình phạt khoan hồng nhất.

Sau khi được luật sư bào chữa, bị cáo Dương Tấn Trước cũng nói rằng, bị cáo đã bị phong tỏa 2.200 tỉ đồng cùng rất nhiều tài sản là bất động sản, đề nghị HĐXX xem xét bị cáo đã khắc được 100% hậu quả của vụ án.

Cáo buộc thể hiện, bị cáo Trước sử dụng pháp nhân của nhóm công ty, lập khống hồ sơ vay tại SCB, là đồng phạm giúp sức bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô hơn 4.700 tỉ đồng, trong đó tiền bị cáo Trước được bị cáo Lan “thưởng” 1.498 tỉ đồng do giúp triển khai các dự án.

Trong vụ án, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) bị đề nghị 19 năm tù, còn bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) bị đề nghị tù chung thân về cùng tội tham ô tài sản và tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày 12

Bùi Anh Dũng trình bày tại tòa

Các luật sư của bị cáo Dũng và Văn cũng đề nghị HĐXX xem xét lại việc cùng 1 hành vi, phương thức thủ đoạn giống nhau nhưng lại bị truy tố 2 tội danh khác nhau. Luật sư đề nghị xem xét lại vai trò của các bị cáo, bị cáo không có nhiệm vụ quyền hạn lập hồ sơ vay, bị cáo chỉ thực hiện một thủ tục nhỏ trong một quy trình lớn nên việc cáo buộc bị cáo là người giúp sức đắc lực là chưa phù hợp.

Theo các luật sư, căn cứ vai trò hành vi thì các bị cáo chỉ phạm tội vi phạm quy định về cho vay làm thất thoát tài sản của SCB, các bị cáo không giữ vai trò quyết định mà chỉ hợp thức hóa hồ sơ nhằm che đậy hành vi rút tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan, thực chất tiền đã ra khỏi SCB từ trước khi các bị cáo ký hồ sơ. Các bị cáo không được sự chỉ đạo trực tiếp từ Trương Mỹ Lan, chỉ là người lao động làm công ăn lương. Vì vậy, đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo để có một mức hình phạt khoan hồng nhất.

 Bị cáo đề nghị xem xét cùng hành vi nhưng bị truy tố 2 tội khác nhau 

Cáo trạng xác định, từ năm 2013 – 2017, bị cáo Văn đã ký hợp thức hồ sơ cho hàng trăm khoản vay, giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt 192.000 tỉ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 101.000 tỉ đồng. Còn bị cáo Bùi Anh Dũng giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây hậu quả thiệt hại cho SCB hơn 317.000 tỉ đồng gồm nợ gốc lẫn lãi.

Tại tòa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn mong HĐXX xem xét, SCB phải phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của Trương Mỹ Lan trong quá trình tái cơ cấu nên phải chịu ảnh hưởng từ Trương Mỹ Lan. Việc thành lập 3 trung tâm tín dụng thực chất các trung tâm chuyên cho vay được lập ra trên ý tưởng của Nguyễn Phương Hồng nhằm cắt giảm chi phí.

Nội dung xét xử vụ án Trương Mỹ Lan ngày 12

Luật sư Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, ngồi giữa) bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đề nghị cho bị cáo mức hình phạt nhẹ để bị cáo sớm trở về với gia đình

Theo bị cáo Văn: “Ngành tài chính ngân hàng là ngành đòi hỏi chuyên môn cao. Vì vậy mà khi sai phạm các bị cáo phải chịu hình phạt nặng thì không công bằng với các bị cáo. Bị cáo đề nghị xem xét lại việc cùng 1 hành vi nhưng lại bị xem xét 2 tội danh khác nhau”, bị cáo Văn nói.

Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, luật sư đề nghị làm rõ trách nhiệm vai trò của bị cáo theo hướng có lợi nhất. Luật sư đề nghị xem xét bị cáo Dung không phải là mắt xích quan trọng bởi khi bị cáo Dung nghỉ việc thì việc giải ngân vẫn được diễn ra. Bị cáo đã rất thành khẩn trong suốt quá trình điều tra, cần áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, cho bị cáo mức hình phạt nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình và con.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Bùi Anh Dũng nói thêm, sau khi nghe Viện KSND TP.HCM đề nghị án chung thân khiến bị cáo không ngủ được, vợ và mẹ bị cáo khóc hết nước mắt. Bị cáo cho rằng mức đề nghị án chung thân là quá nặng.

Luật sư cũng đề nghị xem xét lại giá trị thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị Viện KSND TP.HCM đề nghị tổng hợp mức án tử hình về 3 tội danh: tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng của SCB; tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng; và tội đưa hối lộ 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước tại SCB).

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img