Tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật, và Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng, Công ty Cổ phần Thép Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, Công ty Cổ phần Thép Việt Thành Long An đã đồng thuận gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, và các cơ quan Bộ ngành, Hiệp hội, nêu những lập luận phản biện cùng các kiến nghị, đề xuất liên quan đến khả năng khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. So với công văn lần 1, số lượng doanh nghiệp tham gia phản đối khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC đã tăng thêm 3 doanh nghiệp.

Điều tra chống bán phá giá thép HRC: Cần vì lợi ích chung

12 doanh nghiệp tiếp tục lên tiếng phản đối điều tra chống bán phá giá thép HRC vì cho rằng không có cơ sở pháp lý, cùng với đó sẽ dồn các doanh nghiệp sản xuất nhỏ vào phá sản và tăng gánh nặng lên người dùng. (Ảnh minh họa)

Trong công văn lần 2, các doanh nghiệp tiếp tục bổ sung các lập luận củng cố quan điểm “không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc”, đồng thời phân tích những hậu quả, trong đó có cả mối nguy phá sản của các doanh nghiệp, nếu quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo đó, được biết 3 lý do để nhà sản xuất Tập đoàn Hòa Phát đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm: Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh; Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá; Một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định 03 lý do nêu trên là không có cơ sở pháp lý cũng như không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi:

Thứ nhất, theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 thì lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi thỏa mãn đủ 03 điều kiện sau đây: Điều kiện 1: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; Điều kiện 2: Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; Điều kiện 3: Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở Điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở Điều kiện 2.

Các doanh nghiệp cho rằng như vậy lý do lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh hoàn toàn không phải là một trong 03 điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trái lại, theo các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam thì lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Thứ 2, các doanh nghiệp cho rằng, giá bán HRC thế giới tăng hay giảm là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường. Trong đó, “giá bán giảm” và “bán phá giá” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó 02 yếu tố chính là: (1) chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia; (2) quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm.

“Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất HRC. Nguyên liệu chính để sản xuất HRC là quặng sắt và than cốc. Giá quặng sắt và than cốc biến động hàng ngày theo quan hệ cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, chi phí năng lượng, chi phí nhân công, chi phí đầu tư máy móc thiết bị, thời gian khấu hao máy móc thiết bị và các chi phí khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Do đó, chi phí sản xuất HRC của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Quan hệ cung cầu HRC trên thế giới cũng thay đổi hàng ngày. Việc tăng cung hoặc giảm cung, hoặc tăng cầu, hoặc giảm cầu HRC tại từng thời điểm đều sẽ làm tăng hoặc giảm giá bán HRC trên thế giới. Đây là vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường”, ông Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, P.TGĐ Trực Tập đoàn Hoa Sen bổ sung lập luận.

Theo đó, Hoa Sen cùng các doanh nghiệp khẳng định: Kết hợp 02 yếu tố chính tác động lên giá bán HRC là chi phí sản xuất ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau và quan hệ cung cầu HRC trên thế giới thay đổi hàng ngày sẽ dẫn đến giá HRC thế giới biến động hàng ngày. Như vậy, giá bán HRC thế giới tăng hay giảm là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Thứ 3, trong trường hợp biên phá giá >2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có bán phá giá và ngược lại, biên phá giá ≤ 2% thì không có hành vi bán phá giá.

12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam nhấn mạnh rằng, trong điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam thì Cơ quan điều tra sẽ tiến hành so sánh giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Trung Quốc với giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Việt Nam để tính toán biên phá giá.

Do đó, lý do “Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/ tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/ tấn trong quý IV/2023” không phải là dấu hiệu bán phá giá và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng nêu giả định rằng có tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, bán lỗ để cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam, thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh này không phải là hành vi bán phá giá theo quy định của Điều 78, Luật Quản lý Ngoại Thương mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 6, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018.

Theo đó, tập thể 12 doanh nghiệp tôn, thép tiếp tục phản đối với việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chuyên gia nói gì?

TS Vũ Đình Ánh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) – nhận định như mọi trường hợp điều tra chống bán phá hàng hóa khác, để áp thuế đối với thép HRC cần chứng minh được biên độ phá giá là bao nhiêu cũng như các vấn đề khác liên quan.

Chia sẻ tại buổi Talk show “Áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nên hay không?” của VITV mới đây, TS Vũ Đình Ánh nêu, hiện giá HRC trong nước cao hơn nhập khẩu là 10 – 20 USD/tấn. Tuy nhiên, theo ông, cần phải bóc tách, đánh giá kỹ về mức chênh lệch.

Điều tra chống bán phá giá thép HRC: Cần vì lợi ích chung

Dữ liệu cho thấy năm 2022 và 2023, các doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu thép HRC từ Trung Quốc lên thêm 2.717.730 tấn để bù đắp mức giảm từ nhập ở các quốc gia khác và đáp ứng đầu vào nguyên liệu sản xuất

“Mức chênh lệch 10 – 20 USD/tấn liệu có phải là kết quả của việc bán phá giá không? Hay là vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa tốt, buộc phải bán giá cao hoặc cũng có thể họ nâng giá để hưởng lợi nhuận lớn?”, TS Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia, cần chờ đợi những đánh giá của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề kỹ thuật, để xem cái được, cái mất, vì lợi ích chung của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam, không chỉ riêng doanh nghiệp sản xuất thép HRC mà còn các doanh nghiệp tiêu thụ mặt hàng này và các bên liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập- Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự – cho rằng việc các doanh nghiệp sản xuất HRC nộp đơn lên Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu là có cơ sở. Nhưng để ra một quyết định thì sẽ phải cân đối lợi ích của doanh nghiệp nộp đơn và thị trường (bao gồm nhiều doanh nghiệp khác và cả người tiêu dùng).

Ông Lập nhận định đây là vấn đề đau đầu và mâu thuẫn trong các chính sách của WTO. Áp thuế chống bán phá giá là bảo vệ cạnh tranh công bằng. Các quốc gia có quyền bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng tác động phụ là ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đáng lẽ là họ được hưởng sản phẩm với giá thấp hơn. Bên cạnh đó, về lâu dài, thuế chống bán phá giá là kích thích các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới để giá thành sản xuất hạ xuống để giảm giá bán.

Theo ông, các doanh nghiệp sử dụng HRC có quyền chính đáng nêu lên thiệt hại của mình nếu áp thuế chống bán phá giá. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp sử dụng quyền được tham vấn và gửi đơn yêu cầu Bộ Công Thương không ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá

Nếu Bộ Công Thương bảo lưu quyết định áp thuế, các doanh nghiệp sử dụng HRC có thể giải quyết bằng con đường toà án. Họ phải chứng minh được tính hy hữu và đặc thù của ngành.

Chia sẻ thêm quan điểm, ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng Giám đốc trực Hoa Sen Goup cho rằng việc áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ thị trường nội địa là không sai với một điều kiện là các doanh nghiệp yêu cầu áp thuế phải chứng minh họ đang bị thiệt hại.

Tuy nhiên, như ông Thanh từng chia sẻ, ông nhấn mạnh “ở đây các doanh nghiệp sản xuất HRC nội địa lại không thiệt hại gì cả mà ngược lại họ có nhiều lợi thế để phát triển. Chúng tôi luôn phải mua HRC với giá cao hơn nhập khẩu 10 – 20 USD/tấn thậm chí có lúc 50 USD/tấn. Bởi, khi xuất khẩu sang các thị trường nhạy cảm về thuế CBPG như Mỹ, Mexico, Canada hoặc nước Trung Đông. Họ yêu cầu phải đáp ứng xuất xứ 100% nguyên liệu từ Việt Nam. Cho nên dù giá đắt, chúng tôi vẫn phải mua”. 

Theo ông, nếu áp thuế, nhiều doanh nghiệp sử dụng HRC đứng trước nguy cơ phá sản. Biên lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép khoảng 2%. Giả sử áp mức thuế chống bán phá giá 10%, nguy cơ phá sản là hiện hữu.

Được biết, theo thông tin từ ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại bên lề cuộc họp báo của Bộ Công Thương trong tháng 3, cơ quan chức năng đã tiếp nhận đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá; trong quá trình điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu, cơ quan này cũng sẽ tính đến thiệt hại đối với các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép.

Theo ông Trung, hiện tại, Cục Phòng Vệ Thương mại đang trong quá trình xem xét hồ sơ do các bên liên quan cung cấp.

Theo quy trình, khi nhận thấy có dấu hiệu hành vi phá giá từ hàng hoá nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ yêu cầu chống bán phá giá.

Sau đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ thẩm định tính hợp lệ của bộ hồ sơ. Quá trình này kéo dài 15 ngày. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thông báo các doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung. Nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 45 ngày, căn cứ vào kiến nghị của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hay không điều tra.

Thời hạn điều tra sẽ kéo dài 12 – 18 tháng. Trong thời gian đó, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không? Và mức thuế là bao nhiêu?

Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu.

Dữ liệu của Hải quan và Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam ghi nhận, năm 2022 và 2023, tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn, biến động không đáng kể, ổn định ở mức hơn 11,5 triệu tấn/năm. Trong đó, lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam tại thị trường nội địa trong năm 2022 và 2023 lần lượt là  là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm mạnh 1.485.116 tấn trong năm 2023. Trong 2 năm nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu thép HRC lần lượt là 6.637.198 tấn và 8.191.269 tấn, tăng 1.554.071 tấn, xấp xỉ so với mức giảm 1.485.116 tấn của nguồn cung HRC nội địa, qua đó cân bằng nhu cầu sử dụng HRC để sản xuất các thành phẩm thép, ống thép, tôn mạ, màu và các sản phẩm khác của ngành tôn thép.