Tuesday, April 30, 2024

TP.HCM tạo điều kiện tốt nhất để phát triển công nghiệp điện ảnh

Tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM, diễn ra vào ngày 7.4 tại trung tâm Thiskyhall Sala (TP.Thủ Đức), thu hút đông đảo nhà làm phim trong nước lẫn quốc tế, cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt các ban ngành liên quan.

 

Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) do UBND TP.HCM tổ chức, Sở VH-TT cùng phối hợp với một số đơn vị thực hiện. Tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM thảo luận xoay quanh 5 nội dung: Ngoại giao văn hóa qua điện ảnh – Điện ảnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia/địa phương; Đối thoại giữa nhà làm phim và các nhà làm chính sách; Đối thoại giữa TP.HCM với các nhà làm phim; Liên kết các địa phương và Hợp tác sản xuất quốc tế; Thu hút sản xuất nội địa – Phát hành toàn cầu.

TP.HCM tạo điều kiện tốt nhất để phát triển công nghiệp điện ảnh

TP.HCM là thị trường lớn về sản xuất, phát hành phim của cả nước

Tiếp nối mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh 

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, phát biểu: “TP.HCM được xem là thị trường lớn về lĩnh vực sản xuất, phát hành phim của cả nước. Tiếp nối mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh mà Chính phủ đã đề ra, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, trong đó ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong 8 ngành trọng tâm, với mục tiêu đề ra về chỉ số tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng (trong đó phim VN đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025. Trong khuôn khổ HIFF, chúng tôi tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về phát triển ngành công nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực điện ảnh với mong muốn tăng cường thu hút các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội cho TP.HCM”.

TP.HCM tạo điều kiện tốt nhất để phát triển công nghiệp điện ảnh

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM (bìa phải), đối thoại với giới làm phim

Một số ý kiến của các chủ rạp, nhà phát hành phim đã nêu ra những khó khăn, như ông Nguyễn Hoàng Hải – đại diện CGV VN, nói: “Các doanh nghiệp phim ảnh ở VN hiện không có lời. Vấn đề lo lắng mới nhất là chuyện thuế VAT tăng từ 5 – 10%. Hiện nay mỗi cụm rạp chiếu phải chi từ 5 – 10% doanh thu để trả tiền điện, nước, khoản chi này khá cao, giá thuê mặt bằng ở VN cũng cao so với trong khu vực”. Ngay lập tức, ông Nguyễn Quang Thanh – Phó giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, cho biết: “Trong danh mục TP hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng công trình có phần xây dựng các cụm rạp. Theo đó, mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng/dự án với lãi suất 0%. Đây là chính sách thiết thực, thủ tục vay đơn giản như khi vay ở các ngân hàng và chúng tôi có bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp khi cần thông tin”.

TP.HCM sẽ có chính sách cụ thể gì ?

Trước những băn khoăn lẫn tiềm năng – cơ hội lớn để phát triển công nghiệp điện ảnh tại TP.HCM đóng góp vào tăng trưởng GRDP TP.HCM, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy đã nêu ra một số giải pháp và nhận được nhiều sự tán thành. Đó là TP.HCM cần cụ thể hóa chính sách xã hội hóa điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển ngành điện ảnh để góp phần tạo ra nguồn lực mạnh, để điện ảnh tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng về nội dung cũng như hình thức, nâng cao chất lượng nền điện ảnh TP.HCM, như chính sách ưu đãi cần có về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh (sản xuất, phát hành, dịch vụ)… Để đưa các sản phẩm điện ảnh đến với công chúng một cách nhanh chóng, cần tiếp tục xây dựng và tinh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, duyệt phim để hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ cấp phép phổ biến phim.

Hiện Sở VH-TT TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp giữa các sở ngành, địa phương trong việc quản lý các hoạt động tổ chức đoàn quay phim nơi công cộng. Quy chế này cũng tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước nắm bắt các hoạt động sản xuất phim, nâng cao năng lực quản lý trong các hoạt động an ninh, trật tự, an toàn giao thông… để tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và tạo sự liên thông giữa các địa phương, sở ngành. Thông qua công tác hỗ trợ đoàn phim sẽ thể hiện mong muốn thu hút nhiều đoàn phim trong nước và quốc tế đến, qua đó quảng bá vẻ đẹp của vùng đất, con người, góp phần xây dựng hình ảnh TP.HCM năng động, thân thiện.

Bà Thanh Thúy cũng nói thêm về những giải pháp sắp tới: “TP.HCM cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc sản xuất phim lịch sử để quảng bá văn hóa, lịch sử TP.HCM, ban hành quy chế duyệt phim tạo thuận lợi cho việc sản xuất, phát hành phim; đồng thời xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh TP.HCM, quan tâm đầu tư một số công trình phục vụ hoạt động ngành điện ảnh, đầu tư có trọng tâm như xây dựng một trung tâm phức hợp về hoạt động điện ảnh kết hợp dịch vụ khép kín nhằm phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt danh mục đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Sau Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM 2024 này, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và thông tin. Việc đầu tư và xây dựng hoàn thiện trường quay hiện đại, trung tâm chiếu phim hiện đại, bảo tàng điện ảnh, phát triển các rạp chiếu phim hiện đại… do các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện sẽ được TP.HCM đẩy mạnh trong thời gian tới”. 

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img