Tuesday, April 30, 2024

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường, H.Phù Cát (Bình Định) có truyền thống lịch sử hơn 300 năm, được Bộ VH-TT-DL công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Hôm qua (10.4), lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định công nhận đưa Nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường, H.Phù Cát (Bình Định) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gắn với lịch sử hơn 300 năm

Mảnh đất võ Bình Định có truyền thống lịch sử lâu năm và bề dày văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó không thể không kể đến Làng nghề nón ngựa Phú Gia với hơn 300 năm lịch sử. Nón ngựa Phú Gia biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ gắn liền với đội quân Tây Sơn thần tốc. Và dù trải qua hàng trăm năm lịch sử, những chiếc nón nơi đây vẫn mang đậm bản sắc văn hóa của miền đất võ, trời văn.

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Phụ nữ ở Làng nghề nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, H.Phù Cát (Bình Định) đang thêu nón

Gắn bó với nghề gần 60 năm, hiện ông Đỗ Văn Lang (ở xã Cát Tường) vẫn đang miệt mài gìn giữ, truyền nghề chằm nón ngựa cho người dân trong làng. Ông Lang kể, ngày xưa những chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Mỗi chiếc nón ngựa đều được tạo ra với sự tỉ mẩn và khéo léo từ các nghệ nhân lành nghề.

Theo ông Lang, nón ngựa được làm từ 3 nguyên liệu chủ yếu, gồm: cây giang, lá kè và rễ dứa. Có 3 công đoạn chính để tạo ra nón ngựa gồm làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Mỗi công đoạn có một thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa.

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Ông Đỗ Văn Lang vẫn đang miệt mài gìn giữ, truyền nghề chằm nón ngựa

“Có 2 thôn trong xã Cát Tường làm hai giai đoạn riêng. Một là công đoạn đan sườn mê tại thôn Chánh Lạc. Công đoạn thứ hai làm mê sườn ở thôn Tường Sơn. Còn riêng làng nghề Phú Gia thì có 8 khâu tổng hợp. Nón ngựa gồm có 2 loại. Loại của nam có đường kính 46 cm, loại của nữ đường kính 42 cm”, ông Lang cho biết thêm.

Còn bà Trần Thị Kéo (ở xã Cát Tường) cho hay bà học làm nón ngựa từ lúc nhỏ cho đến bây giờ đã mấy chục năm. Hiện làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất.

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Giới thiệu với du khách về nón ngựa

“Để hoàn thành một chiếc nón ngựa phải mất cả tháng, giá trị chiếc nón cao nên sức tiêu thụ chậm. Với nhiều người trong làng, việc nối dài nghề của cha ông có một phần trách nhiệm của mình, dù thu nhập không là bao”, bà Kéo nói.

Cần quảng bá hình ảnh, sản phẩm

Nón ngựa Phú Gia có các mức giá khác nhau. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/chiếc. Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn, trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, lân, quy, phụng thì có giá khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc. Để khôi phục và gìn giữ làng nghề, thời gian qua, UBND H.Phù Cát cũng đã triển khai nhiều giải pháp.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó chủ tịch UBND H.Phù Cát (Bình Định), cho biết các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như quảng bá hình ảnh, quảng bá các sản phẩm, xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm, nhất là sản phẩm nón ngựa Phú Gia. Qua đó, để người dân cả nước cũng như du khách nước ngoài biết đến loại nón ngựa đặc biệt này. “Huyện cũng sẽ có chính sách hỗ trợ những người có tay nghề xuất sắc để giữ gìn làng nghề nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường”, ông Luận nói.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa – du lịch các dân tộc VN.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img