Tuesday, April 30, 2024

Pháp ủng hộ Serbia gia nhập EU

Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić hôm qua (8/4) có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Paris, Pháp. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự hội nhập châu Âu của Serbia và quan hệ song phương giữa hai nước.

Phát biểu sau cuộc hộp đàm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự ủng hộ Serbia gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song Serbia cần tiếp tục và đẩy nhanh các cải cách liên quan đến việc củng cố nhà nước pháp quyền, tính độc lập, công bằng. Tổng thống Pháp Macron cho biết:

“Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba, chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới cũng là kỷ nguyên tiếp tục thống nhất châu Âu. Về mặt này, sự hội nhập của Serbia là vì lợi ích chung ở châu Âu. Đó không phải là một quá trình áp đặt, đó là sự lựa chọn có chủ quyền của Serbia. Tôi tin rằng Serbia có vai trò quan trọng trong việc củng cố quyền tự chủ chiến lược của EU.”

Chính phủ của Serbia đã là ứng cử viên chờ gia nhập EU kể từ năm 2012. Tổng thống Serbia, Aleksandar Vučić cũng coi việc gia nhập EU là ưu tiên hàng đầu của nước này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo được xem là một trong những trở ngại khiến Serbia chưa thể trở thành thành viên. Mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo trở nên căng thẳng vào tháng 9 năm 2023 khi cảnh sát Kosovo giao tranh với khoảng 30 người Serbia được trang bị vũ khí hạng nặng xông vào một ngôi làng của Kosovo.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ thực hiện các hành động cần thiết để các cuộc bầu cử được tổ chức ở phía bắc Kosovo, qua đó bầu ra những thị trưởng mới có tính hợp pháp dân chủ thực sự. Tuy nhiên, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đổ lỗi cho Kosovo không thực hiện các cam kết trước đó:

“Kosovo, không tôn trọng bất kỳ điểm nào trong thỏa thuận Ohrid và Brussels. Họ đã tổ chức các cuộc bầu cử mà chỉ có 3,4% cử tri đi bầu. Đây là lý do tại sao tôi đồng ý với mong muốn của Tổng thống Pháp về việc tổ chức lại các cuộc bầu cử mới, nhưng Kosovo không muốn để điều đó diễn ra. Hôm nay chúng tôi chỉ nói về những sự cố ở Banjska (Kosovo) chứ không ai đề cập đến câu hỏi về sự sống còn của người Serbia ở phía Bắc Kosovo.”

Về quan hệ song phương giữa Pháp và Serbia, hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của Tổng thống Serbia, đại diện của ngành điện Pháp và Tập đoàn Dassault của Serbia cũng có các cuộc tiếp xúc quan trọng. Trước đó, vào ngày 5 tháng 4, chính phủ Serbia đã phê duyệt Biên bản ghi nhớ với công ty năng lượng EDF của Pháp về việc thiết lập mối quan hệ hợp tác chuyển đổi năng lượng, tạo điều kiện phát triển chương trình hạt nhân dân sự ở Serbia.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img