Tuesday, April 30, 2024

Ru em bằng tiếng sóng

Cậu em phóng viên nói với tôi rằng, đa số những bài hát viết về biển của Việt Nam đều… buồn: ‘Kiếp dã tràng’, ‘Biển cạn’, ‘Thuyền và biển’, ‘Biển nhớ’…, nghe lúc chiều chạng vạng là hợp nhất. Lúc đó tôi đuối bằng chứng nên đành ậm ừ: “Ờ… đúng thật!”.

 

Nhưng rồi hôm nay, từ đâu trong ký ức có tiếng vọng về như là tiếng con sóng lúc bình minh, khi những tia nắng đầu tiên trong như pha lê chiếu qua bãi cát vàng lấp lánh. Trong cái tinh khôi và đẹp đẽ của một buổi sớm mai trên bãi biển, bạn bước đi mà cảm thấy tâm hồn mình thật khoan khoái và ngập tràn tình yêu cuộc sống:

“Tiếng sóng xô bãi cát

Tiếng biển xanh đang hát

Tiếng sóng dội về, bài hát khơi xa

Hát tóc em xanh lắm

Hát mắt em xa lắm

Sóng hát ru em một sớm mùa hè…”

Ru em bằng tiếng sóng

Biển Eo Gió, Quy Nhơn

Tôi nhớ ra rồi! Ru em bằng tiếng sóng của nhạc sĩ Dương Thụ. Tôi sẽ hẹn cậu em phóng viên một buổi cà phê để tung “bằng chứng” mới được.

Nói tới nhạc sĩ Dương Thụ, có một chuyện vui là ông cứ xưng “anh em” với tôi. Nhưng thật ra mà nói, tôi phải gọi ông bằng chú mới đúng, vì tôi chỉ đáng là cậu con trai so với ông. Nói vậy để thấy được cái “năng lượng thanh xuân” vẫn còn “kinh khủng” lắm bên trong một nhạc sĩ đã ngoài 80 là như thế nào.

Tôi không rõ bài hát được viết năm nào, nhưng có thể nói khi Ru em bằng tiếng sóng vang lên khắp các tụ điểm ca nhạc cùng quán cà phê ở Sài Gòn một thời, cùng với Hát với chú ve con, Giọt sương trên mi mắt… của nhạc sĩ Thanh Tùng. Theo cách nhìn của riêng tôi, đó là một trong những bài hát tiên phong nhạc pop đương đại Việt Nam, nếu lấy cột mốc sau năm 1975.

Ru em bằng tiếng sóng

“Tiếng sóng xô bãi cát, tiếng biển xanh đang hát…”

Trước năm 1975, chúng ta có Phượng Hoàng với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, có Trường Kỳ rồi Y Vân… thì sau năm 1975, dòng chảy ấy bị ngưng lại. Và rồi với sự đòi hỏi của cuộc sống đang dâng tràn, sự khát khao của một nền âm nhạc mong muốn tiệm cận với thế giới, từ đâu bỗng xuất hiện những Ru em bằng tiếng sóng, Cho em một ngày, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con…. của Dương Thụ, Thanh Tùng… như khơi lại dòng chảy của nhạc pop Việt, nối lại con đường tiệm cận với nhạc pop đương đại thế giới. Vì sao?

Có một thời tôi thích Ru em bằng tiếng sóng đến nỗi, làm album là đưa bài hát này vào. Ngay cả khi làm những đoạn nhạc nền catwalk cho các chương trình hoa hậu diễn bikini, tôi cũng dùng đến giai điệu của nó rồi biến hóa thành nhạc catwalk. Vì Ru em bằng tiếng sóng là một bài hát hiếm hoi của nhạc Việt thời bấy giờ (và ngay cả bây giờ) cho tôi cái cảm giác “groove” rõ ràng. Nghe là biết câu bass phải làm sao, kick phải thế nào, snare, hihat hiện lên theo nhịp phách mạnh nhẹ, hứa hẹn một cái nền beat thật đã. Nói tóm lại, cảm giác đầu tiên mà bài hát mang lại là: lắc lư một nhịp điệu vừa đủ, sảng khoái với một vòng hòa thanh “jazzy” đẹp như mơ, những âm sắc trong trẻo tinh khôi buổi sớm mai với tiếng sóng nhè nhẹ xô bờ.

Điều lạ lùng là trong cái không khí rất “Tây” của giai điệu, của cảm giác “groove” và hòa thanh bay bổng ấy, ta vẫn nhận ra một cái gì đó rất “Hà Nội” mà không mất đi đâu được. Đó là những quãng đặc trưng tựa hồ như ngữ điệu của người Hà Nội:

“Tiếng sóng xô bãi cát

Tiếng biển xanh đang hát…”

Tiếng – biển – xanh là sự nối tiếp các quãng 5 và 4 đúng nghe vô cùng “Bắc”. Đây là một điều tôi cho là rất thú vị. Tôi chợt nhớ có một đạo diễn nói với tôi rằng: “Thanh để ý những giai điệu của Trịnh Công Sơn đi! Nó rất Huế không phải vì thang âm, mà là vì ngữ điệu khi hát lên, nghe nó như người Huế đang nói”. Và đúng như thế, nhạc Dương Thụ cũng vậy, cái chất Bắc nó nằm ở ngữ điệu ca từ, chứ không hẳn chỉ là thang âm. Thế mới biết không cần phải bê nguyên ngũ cung vào thì mới “vùng miền”. Nhất là nếu không đủ kiến thức, sẽ vô tình nghe thành “Chinese” hay một dân tộc châu Á nào khác cũng là chuyện dễ hiểu. Trào lưu này thật đáng ngại mà nếu có dịp, tôi sẽ nói sâu. Hãy xem người Nhật làm pop, jazz và classic đi, họ không “địa phương” một cách ấu trĩ, mà luôn hòa nhập dòng chảy của thế giới rất chuẩn mực, ngang ngửa, không hề lép vế. Nhưng chất Nhật vẫn ẩn hiện đâu đó một cách tự nhiên.

Ru em bằng tiếng sóng thật sự là một bức tranh biển mà bạn có thể treo một góc phòng hay bàn làm việc. Giữa những ngày nắng ngộp thở này, nếu nhớ biển bạn có thể ngắm nhìn. Bởi nó đẹp một cách chỉn chu, chuẩn mực và tinh khôi với bố cục một bức tranh biển thật hoàn hảo: tia nắng đầu ngày, những con sóng nhuộm màu bình minh xô lên bãi cát có màu pha lê tuyệt đẹp. Mỗi khi ngắm nhìn nó, trong ta luôn ngập tràn một tình yêu cuộc sống, vì cuộc sống vốn dĩ đơn giản thế mà:

“Tiếng sóng biển, hắt tia nắng đầu tiên

Tiếng sóng biển, khát khao mối tình yêu trong sáng”.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img