Tuesday, April 30, 2024

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa – Kỳ 7: Bâng khuâng ngày chiến thắng

Hải Bằng cho 2 chiến sĩ đi cùng với tôi dẫn Pouget về tiểu đoàn. Không khí ở Sở chỉ huy nhộn nhịp vì các đại đội đã hoàn thành nhiệm vụ và nhất là Tiểu đoàn 249 bắt sống được tên chỉ huy cứ điểm A1.

 

Chưa kịp nói chuyện với ai thì báo vụ viên gọi tôi đến máy gặp Tư lệnh Đại đoàn. Vội báo cáo mấy câu với anh Y và bảo liên lạc dẫn tù binh sang ngách hầm bên, tôi tới bên máy điện thoại. Thì ra cả đại đoàn và có lẽ cả mặt trận lúc này cũng đã có tin về việc ta tiêu diệt A1 và bắt sống Pouget.

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa - Kỳ 7: Bâng khuâng ngày chiến thắng

Đại tá Vũ Đình Hòe kể chuyện tiến công đồi A1 (năm 2019)

Tư lệnh hỏi tình hình diễn biến trận đánh và việc bắt tên quan ba Pouget. Nghe xong, ông khen đánh như vậy là tốt và chuyển lời của Bộ Tư lệnh biểu dương toàn tiểu đoàn, căn dặn chuẩn bị để có thể tiếp tục làm nhiệm vụ mới.

Liền sau đó, anh Hữu An gọi điện biểu dương đơn vị và lệnh Tiểu đoàn 249 tập trung hỏa lực bắn vào đội hình quân địch đang phản kích lên đại đội 2 để chi viện cho 98. Tôi lập tức lệnh cho đại đội 315 chuẩn bị địa điểm bố trí hỏa lực và lệnh cho đại đội trợ chiến chuyển mấy khẩu đại liên, súng cối 81 ly của tiểu đoàn đến ngay đại đội 315 nhận nhiệm vụ. Sau đó, tôi hội ý nhanh với Bằng Khê và Lê Sơn về chỉ thị của cấp trên. Chúng tôi thống nhất cho anh em tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức, lúc đó đã là 4 giờ 30 sáng 7.5. Tôi đến đại đội 315 xem việc bố trí hỏa lực ra sao.

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa - Kỳ 7: Bâng khuâng ngày chiến thắng

Đại tá Vũ Đình Hòe kể chuyện Điện Biên với thầy và trò Trường THCS Giáp Bát – Hà Nội (năm 2004)

Khi quay về Sở chỉ huy tôi được biết Tiểu đoàn 251 đã xuống A3. Đến 12 giờ trưa, chúng tôi đang ăn cơm thì một toán khá đông địch gồm cả Âu, Phi và ngụy từ A2, A3 cầm cờ trắng đi qua A1 về phía sau. 13 giờ thì ở một số cứ điểm bên Mường Thanh lác đác có cờ trắng. Theo lệnh của trung đoàn, 15 giờ, tôi đem theo một trung đội của 315 sang bờ Tây sông Nậm Rốm nắm tình hình. Các cứ điểm đều đã có quân ta kiểm soát nên tôi cho anh em bố trí cạnh bờ sông rồi báo cáo về. Khoảng 17 giờ, Bằng Khê gọi điện báo cho anh em về để chuẩn bị xuống Hồng Cúm.

Lúc này, các đơn vị bạn cũng đang thu quân. Từng toán tù binh đang được dẫn lên phía bắc Mường Thanh ra đường Tuần Giáo. Chân đồi A1 vắng lặng. Tôi đi lên đỉnh đồi thấy một đồng chí đang chờ và báo cho tôi biết đơn vị được lệnh về hậu cứ rồi. Tôi quay lại nơi chúng tôi bắt được tên quan ba Pouget, địa điểm đã kết thúc thắng lợi: Trong cuộc chiến đấu dũng cảm đầy hy sinh, gian khổ suốt 38 ngày đêm tại A1, cứ điểm then chốt, chìa khóa để mở cửa vào Trung tâm chỉ huy quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tôi trở lại ngắm nhìn hầm ngầm A1 – một công trình từng được toàn mặt trận biết đến và đã bao lần tìm cách phá nó. Trên đường xuống núi, chúng tôi đi vòng quanh cái hố thuốc nổ do các chiến sĩ công binh thông minh, dũng cảm, kiên trì sáng tạo ra. Xuống đến khe suối cạn, đường rẽ về hậu cứ, chúng tôi bồi hồi quay đầu lại một lần nữa. Tạm biệt đồi A1, nơi có biết bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống hoặc đã để lại một phần xương máu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho muôn đời con cháu mai sau.

Đại tá Vũ Đình Hòe sinh năm 1928, tại P.Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, nguyên Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Ông từ trần ngày 27.4.2022 tại nhà riêng (P.Điện Biên, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội). Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho ông: Huân chương Quân công hạng nhì; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Lúc sinh thời, trả lời câu hỏi vì sao ông không viết hồi ký, đại tá Vũ Đình Hòe bộc bạch: “Trong hồi ký Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến tôi khi tiến công đồi A1 rồi. Đời một người lính được Tổng tư lệnh nhớ tên như vậy là vinh dự. Tôi chỉ viết về 38 ngày bão lửa theo yêu cầu của các đồng chí trong Ban Liên lạc Trung đoàn 174″.

Kiều Mai Sơn

CẢM XÚC SAU CHIẾN THẮNG

Sau đây là một trang bút tích được gia đình đại tá Vũ Đình Hòe lưu giữ lại. Ông viết: “Khi cầm máy điện thoại báo cáo, qua những tiếng âm thanh vọng vào máy, tôi thấy ở đây mọi người đang rất vui mừng, náo nhiệt, phấn khởi cười đùa. Tự nhiên tôi thấy nhớ lại hình ảnh trên 300 anh em bị thương vong trong trận đêm 30.3 và chỉ cách đây không lâu, các chiến sĩ bộc phá của ta đã hy sinh khi xông lên để phá hầm ngầm thì cảm giác vui mừng của tôi cũng biến mất. Thay vào đó là một ý nghĩ bâng khuâng: Chiến thắng rồi, anh em ở đâu? Có vui không?”.

Kiều Mai Sơn

Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img