Tuesday, April 30, 2024

Nga điều chỉnh chiến thuật tình báo, Mỹ gửi vũ khí Iran cho Ukraine

Cuộc chiến tình báo giữa Nga và phương Tây nóng bỏng từng ngày song song với xung đột vũ trang Nga – Ukraine. Nga được cho là đã triển khai một số điều chỉnh về chiến thuật sử dụng gián điệp, trong khi Mỹ vừa viện trợ cho Ukraine lô vũ khí mới có gốc gác Iran.

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine, các cơ quan tình báo Nga đã điều chỉnh đáng kể hoạt động nghiệp vụ của họ. Việc các điệp viên và nhà ngoại giao Nga bị trục xuất ở nhiều nước đã tác động tiêu cựu lên hoạt động thu thập tình báo của Nga. Trong bối cảnh ấy, các chuyên gia Đức nhận định rằng Nga hiện giờ có thể triển khai các “đặc vụ du lịch”.

Đức đã trục xuất tới 40 nhà ngoại giao Nga trong năm 2022 nhằm phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Năm 2023, Đức càng thể hiện rõ hơn nữa quan điểm của mình bằng việc trục xuất thêm 30 nhà ngoại giao Nga, dẫn tới việc đóng cửa các lãnh sự quán của Nga ở Munich, Frankfurt, Hamburg và Leipzig.

Điện Kremlin quyết định duy trì Đại sứ quán của họ ở Berlin và Tổng lãnh sự quán ở Bonn theo tin tức từ truyền thông Đức, bao gồm WDR, NDR, và tờ “Sueddeutsche Zeitung”. Các bài báo này gợi ý rằng khoảng 20 điệp viên vẫn sử dụng vỏ bọc nhà ngoại giao ở Đức – một sự giảm đáng kể so với con số khoảng 100 người trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine.

Theo cổng thông tin Tagesschau thì “cơ quan phản gián Đức ước tính có tới 1/3 số nhân viên ngoại giao Nga chính là nhân viên tình báo thực thụ”.

Lực lượng đặc vụ hoạt động ngầm

Đáp lại việc các nhà ngoại giao của mình bị trục xuất, Nga đã nỗ lực thay thế họ bằng các điệp viên trước đó đóng tại các đại sứ quán ở các nước châu Phi. Vẫn theo cổng Tagesschau, cơ quan tình báo Hà Lan gần đây cảnh báo rằng phía Nga đang triển khai các điệp viên trong vỏ bọc doanh nhân.

Ngoài ra, nhân viên tình báo Nga cũng được cho là gia tăng hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Bắc Phi.

Cơ sở ngoại giao của Nga tại Bonn (Đức) cũng được cho là đóng vai trò trọng yếu trong hoạt động tình báo của Nga vì nơi này gần với một cơ sở của Bộ Quốc phòng Đức nằm ở Hardthoehe. Các chuyên gia tin rằng nơi đây có rất nhiều tổ chức quốc tế mà Moscow quan tâm. Ngoài ra theo họ, từ Hardthoehe, nhân viên tình báo Nga cũng có thể đi tới các nước láng giếng của Đức như Pháp, Hà Lan, Luxembourg hoặc Bỉ.

Chiến lược sử dụng “điệp viên du lịch”

Thành phố Brussels, nơi đóng trụ sở nhiều thể chế của Liên minh châu Âu và NATO, là mục tiêu chính của tình báo Nga vì nơi đây rất giàu có thông tin có giá trị. Tuy nhiên, Tagesschau cho rằng Bỉ đã trở thành một môi trường đầy thách thức đối với các điệp viên của Nga. Trong khi đó, Bonn đóng vai trò địa điểm chiến lược do các đặc vụ đóng tại đó ít khả năng bị giới chức các nước khác phát hiện.

Cổng Tagesschau nhận xét rằng việc lật tẩy hoạt động của các điệp viên thuộc nhóm này ở nước ngoài sẽ không lập tức gây ra xung đột ngoại giao do họ không đảm nhận vai trò chính thức nào ở các nước họ hoạt động – điều này cho phép họ khai thác các lỗ hổng quốc tế.

Giới phân tích an ninh nghĩ rằng hoạt động tình báo của Nga ở Đức có nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các nhân viên ngoại giao của Nga được ủy nhiệm công tác tại Áo. Mặc dù mới chỉ có 8 điệp viên Nga bị trục xuất khỏi Áo, người ta ước tính rằng có tới 100 đặc vụ Nga sử dụng vỏ bọc ngoại giao để hoạt động ở Vienna.

Mỹ gắng sức viện trợ lô vũ khí mới cho Ukraine

Trong một diễn biến liên quan đến xung đột Ukraine, Washington hôm 9/4 nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn vũ khí gốc gác Iran bị thu giữ khi đang trên hành trình tới nhóm chiến binh Houthi ở Yemen.

Gói viện trợ mới này cho Ukraine bao gồm 5.000 khẩu súng AK, súng máy, súng bắn tỉa và súng phóng rocket, cùng với nửa triệu viên đạn. Số vũ khí đạn dược này được phát hiện trên 4 “tàu không nhà nước” trong khoảng thời gian giữa năm 2021 và 2023.

Việc chuyển giao số vũ khí trên vào ngày 4/4 là một bước phát triển đáng kể trong bối cảnh gói viện trợ nhiều tỷ USD cho Ukraine vẫn bị kẹt tại Quốc hội Mỹ.

Giới chức chính phủ Mỹ cho hay, Ukraine đối diện một loạt kịch bản u ám nếu không nhận thêm viện trợ quân sự của Mỹ. Quân đội Nga đã tận dụng cơ hội để mở các cuộc tấn công dữ dội, huy động bom lượn để xuyên thủng phòng tuyến Ukraine, chiếm thêm nhiều lãnh thổ ở miền Đông Ukraine.

Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ – đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động chặn thu vũ khí cung cấp cho Houthi Yemen, cho biết kho vũ khí mới gửi cho Ukraine là đủ cung cấp cho toàn bộ một lữ đoàn.

Việc viện trợ vũ khí Iran cho Ukraine cho thấy một kịch bản đặc biệt trong xung đột hiện đại. Iran được cho là đã cung cấp cho Nga số lượng đáng kể các UAV cảm tử (UAV tấn công một chiều, dùng một lần) dùng để tấn công các đơn vị và cơ sở hạ tầng Ukraine. Do vậy, lô vũ khí gốc Iran được công bố vừa qua tạo ra khả năng một quân nhân Ukraine có thể sử dụng một khẩu súng máy gốc Iran để bắn hạ chính một UAV do Iran chế tạo.

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, lô vũ khí gốc Iran cung cấp cho Ukraine đã được kiểm tra kỹ và khẳng định là an toàn, hoạt động tốt. Binh sĩ Ukraine thời gian qua đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về tình trạng hoạt động của một số vũ khí do Mỹ và phương Tây cung cấp – số vũ khí này vốn thường được lấy từ các kho vũ khí khí tài cũ kỹ của phương Tây.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img