Tuesday, April 30, 2024

Sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến thắng Điện Biên Phủ

‘Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam’, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Linh hồn” cuộc kháng chiến chống Pháp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận của chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này đã đúc kết: “Chúng ta không thể có một nhận thức sâu sắc và đầy đủ về những nguyên nhân đưa quân và dân ta đến thắng lợi Điện Biên Phủ, nếu chúng ta không nói đến cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của toàn dân ta… Có kháng chiến gian khổ mới có chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại”. Vì thế, dù chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra gần 2 tháng, nhưng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận trong toàn bộ cuộc kháng chiến mà Người đóng vai trò là “linh hồn” và người chỉ huy cao nhất.

Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này

Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954, đồng thời quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này

TTXVN

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), với khát vọng hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì đàm phán với Pháp. Do thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa nên Người và dân tộc của Người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài con đường cầm vũ khí tự vệ. Trong bối cảnh “ngoài 25 triệu người dân giàu lòng yêu nước, cùng 2,4 – 2,7 triệu tấn thóc mỗi năm, Việt Nam không có gì để so sánh với bên đối chiến”, ý chí “dám đánh” và làm cho cả dân tộc “quyết đánh” với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đã cùng với T.Ư Đảng đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” và làm cho đường lối ấy thấm sâu vào dân chúng. Song song với việc động viên toàn dân kháng chiến, Người đã thức dậy trong lực lượng vũ trang tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cuộc kháng chiến, Người đã cùng với T.Ư Đảng đề ra các chủ trương đúng đắn cho các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện.

Chiến tranh trường kỳ đã bào mòn sức mạnh, ý chí của đối phương. Khi thời cơ đến, Người kêu gọi: “Toàn dân hăng hái một lòng/Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời”. Chiến dịch Điện Biên Phủ – đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp đã được chuẩn bị trong suốt 9 năm kháng chiến gian khổ và người chỉ huy tối cao là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người chỉ đạo cao nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tháng 5.1953, tướng Henri Navarre được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội thứ 7 của Pháp ở Đông Dương với sứ mệnh trong vòng 18 tháng, phải tìm cho nước Pháp “một lối thoát danh dự”. Mọi toan tính của Navarre đều lần lượt bị Chủ tịch Hồ Chí Minh “bẻ gãy”. Khi Navarre chủ trương tập trung lực lượng thành “quả đấm sắt” để tiêu diệt từng căn cứ, lực lượng chủ lực của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đối sách: “Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Trước kế hoạch tấn công của Henri Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bị động phòng ngự mà chủ động tấn công. Người diễn đạt kế hoạch tấn công một cách độc đáo, sinh động bằng cách mở rộng 5 ngón tay và nhấn mạnh việc lấy Tây Bắc làm hướng chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

TTXVN

Theo sự chỉ đạo ấy, ngày 19.11.1953, Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc và các lực lượng của ta cũng tiến đánh các vị trí khác nhau nhằm xé lẻ binh lực của Henri Navarre. Khi phát hiện quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Henri Navarre đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ý đồ của Henri Navarre là biến Điện Biên Phủ thành “cái bẫy” để thu hút, kìm chân và “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh.

Trước “nước cờ” mới của địch, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ. Bằng quyết định lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh thẳng vào chỗ mạnh nhất của địch, chuyển “vận động chiến” sang “trận địa chiến” và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chúng.

Người đã đề ra phương châm chỉ đạo là “đánh chắc thắng”. Đây không chỉ là sự cẩn trọng của nhà cầm quân “biết mình, biết người” mà còn là trách nhiệm, là “lòng nhân” của vị chỉ huy tối cao đối với vận mệnh dân tộc và sinh mệnh người lính trên chiến trường. Phương châm “đánh chắc thắng” của Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, bảo đảm chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến sự toàn thắng.

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến dịch này, Người đã quyết định “xuất tướng”, cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ cùng lời dặn dò: “Trao cho chú toàn quyền quyết định”. Lòng tin cao độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đủ căn cứ và thẩm quyền để đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình: chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” khi cả mặt trận đã dàn quân, đạn đã lên nòng. Bản lĩnh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lịch sử và thế giới tôn vinh, nhưng sâu xa ở đó là cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Huy động sức mạnh toàn dân cho chiến dịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh có công rất lớn trong việc truyền cho binh sĩ Điện Biên Phủ tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Sức chiến đấu của quân đội nằm ở ý chí, nhiệt huyết của những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Vì thế, trong suốt thời gian chuẩn bị và diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã dùng nhiều cách thức để động viên tinh thần các chiến sĩ Điện Biên. Đáp lại, các chiến sĩ đã vượt qua “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, đem hết sức mình làm nên thắng lợi vĩ đại để mừng sinh nhật tới người mà trong lòng họ, vừa là lãnh tụ tối cao, vừa “là cha, là bác, là anh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc huy động sức mạnh của toàn dân để chi viện cho Điện Biên Phủ. Với tầm nhìn xa trông rộng, Người rất quan tâm đến công tác hậu cần, chi viện. Từ tháng 7.1953, Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch đã được thành lập. Khi lựa chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, cả Pháp và ta đều gặp khó khăn trong vấn đề tiếp tế. Hậu cần trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định thắng – bại. Bởi lẽ, bộ đội không thể đánh giặc nếu không có cơm ăn, không có đạn bắn.

Ngày 19.4.1954, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết: toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ. Người còn chỉ đạo huy động nguồn hậu cần tại vùng Tây Bắc vừa giải phóng và đồng bào Tây Bắc đã vét những hạt gạo cuối cùng để nuôi quân, đánh giặc. Kết quả là, những đôi bồ, xe thồ thô sơ, đôi chân trần của dân công hỏa tuyến đã thắng những máy bay, trực thăng hiện đại của người Pháp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đúc kết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”. Con người ấy không chỉ “dám đánh” mà còn làm cho cả dân tộc “biết đánh” và “biết thắng”.

70 năm trôi qua, nhưng tinh thần Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, làm thức dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, niềm tin và trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc. Vì thế, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng ở những kỳ tích mà Người đã tạo lập trong thế kỷ XX mà còn ở sức sống, khả năng soi chiếu, dẫn dắt để Việt Nam tiến đến mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước cuối cùng của Người trong Di chúc lịch sử.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img