Saturday, May 4, 2024

Bùng phát lừa đảo trực tuyến

“Săn mồi” qua các ứng dụng hẹn hò, đánh vào lòng tham trúng thưởng, giả mạo các trang web bán hàng điện tử…, đủ kiểu lừa đảo đang bủa vây mà dù đã cảnh giác, không ít người vẫn sập bẫy.

Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên

Sáng cuối tuần, khi PV Thanh Niên vừa di chuyển ra khỏi nhà thì một cuộc điện thoại gọi đến. Đầu dây bên kia là giọng người nữ lạ hoắc: “Chào anh, em là nhân viên Vincom đang tuyển cộng tác viên, làm việc tại nhà, công việc đơn giản, có hoa hồng cao…”.

Biết rõ đây là chiêu trò lừa đảo, PV vẫn tiếp tục để cho “người lạ hoắc” kia dẫn dụ. Công việc mà “nhân viên Vincom” yêu cầu là tải ứng dụng V. của một thương hiệu nổi tiếng và mua sắm để được hoàn lại tiền và cộng thêm hoa hồng. Nhiều người đã sập bẫy lừa này. Ban đầu, họ được trả tiền đầy đủ nhưng càng về sau, yêu cầu càng cao hơn, buộc nạn nhân phải nạp tiền nhiều hơn.

Trò chuyện với PV, một số người từng là nạn nhân của chiêu trò “lùa gà” này chia sẻ: “Sau khi bị lừa mất tiền tôi mới rút ra được rằng cái nhóm chat mà họ dụ mình vào cho dù có 100 thành viên thì cũng chỉ toàn là ảo, mục đích của các đối tượng này là để thao túng tâm lý, góp sức loại bỏ sự nghi ngờ của nạn nhân. Cái ứng dụng mà họ chia sẻ để tải về cũng là hàng nhái, phải nhìn kỹ mới nhận ra sự khác biệt. Một khi nạn nhân sập bẫy và nạp tiền vào thì họ tìm mọi lý do để không cho lấy lại và bắt phải nạp thêm vào tiếp tục”. Ngay sau đó, trên website của Tập đoàn Vingroup khẳng định chỉ có một website và fanpage chính thức, ngoài ra các địa chỉ khác là giả mạo.

Chiêu trò tuyển cộng tác viên để chiếm đoạt tài sản

Chiêu trò tuyển cộng tác viên để chiếm đoạt tài sản

Chụp màn hình

Lừa đảo trúng thưởng cũng đang nở rộ khiến nhiều người hoang mang. Chị B.N (Q.2, TP.HCM) kể sáng qua, chị nhận cuộc gọi từ số 0918255… của người tự xưng là nhân viên siêu thị S, thông báo chị được nhận phần quà giá trị, miễn phí giao nhận và đề nghị chị kết nối Zalo để trao đổi thông tin cụ thể. “Nghe là biết lừa đảo vì tôi chưa bao giờ đi siêu thị đó, liên quan gì mà gửi quà cho tôi”, chị B.N bức xúc nhưng đồng thời cũng lo lắng: “Mình thì còn biết loại suy chứ các cụ nhà mình có khi dính rồi. Nó gọi suốt ngày, đủ kiểu nên phòng đến đâu thì cũng có lúc mất cảnh giác“.

Đặc biệt, gần đây, chiêu trò lừa đảo mời gọi tham gia góp vốn, đầu tư bán hàng trên các trang thương mại điện tử giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản đã khiến nhiều người mất tiền tỉ. Mới nhất, một nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỉ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang thương mại điện tử Carousel có đường link www.carousell888.com.

Nạn nhân là anh N. (ngụ Hà Nội) nhận được tin nhắn kết bạn từ một tài khoản Facebook để ảnh đại diện là nữ giới. Sau khi trò chuyện, người này mời anh N. cùng đầu tư bán hàng để hưởng hoa hồng trên website www.carousell888.com. Website có giao diện, tên miền giả mạo trang thương mại điện tử Carousell của Singapore (www.carousell.sg) với các gian hàng đủ loại sản phẩm. Anh N. được hướng dẫn mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do đối tượng cung cấp, khi có khách đặt hàng thì phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng.

Thời gian đầu tham gia, đơn hàng có giá trị từ 1 – 10 triệu đồng và có tiền hoa hồng trả về, anh N. vẫn có thể rút tiền ra được. Tuy nhiên, sau đó đơn hàng có giá trị và số lượng lớn hơn rất nhiều để anh N. phải tiếp tục nạp thêm tiền thanh toán. Khi số tiền đạt đến con số hàng tỉ đồng, nạn nhân không thể rút tiền, đối tượng sẽ viện các lý do cần nâng cấp thành viên, đóng thuế, đóng phí hải quan… với mục đích để nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền thì mới rút ra được.

Qua rà soát, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội xác định có nhiều website giả mạo có cùng giao diện, cơ chế hoạt động tương tự có nguy cơ tiếp tục được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

“Săn mồi” qua ứng dụng hẹn hò

Trường hợp của anh N. không phải cá biệt. Gần đây rộ lên nhiều trường hợp làm quen, tán tỉnh nhau qua các ứng dụng tìm bạn, hẹn hò rồi dẫn dụ nạn nhân tham gia các hình thức đầu tư. Chị T. (ngụ Hà Đông, Hà Nội) kể mình mới tham gia hẹn hò online và gặp một đối tượng hợp ý. Sau thời gian nhắn tin, trò chuyện thân mật, người này nhờ chị T. đăng nhập tài khoản của đối tượng trên một trang web để giao dịch chứng khoán, kiếm lợi nhuận. Qua vài ngày đăng nhập, nhận thấy khoản lợi nhuận thu được cao, chị T. đã nhờ bạn trai hướng dẫn đăng ký để tự giao dịch chứng khoán, đồng thời chuyển 914 triệu đồng tham gia đầu tư nhưng sau đó số tiền này đã bị chiếm đoạt.

Thủ đoạn của các đối tượng là tìm “con mồi” thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo… và tạo các tài khoản với thông tin giả mạo. Những kẻ lừa đảo sẽ tìm cách làm quen với “con mồi tiềm năng”. Sau khi kết bạn và tạo được mức độ tin tưởng, nhóm lừa đảo sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia đầu tư với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Thậm chí, đối tượng còn cho nạn nhân vào tài khoản của mình để nạn nhân nhìn thấy “lợi nhuận khủng” và tự đề nghị cùng tham gia đầu tư.

Chị Vân, ngụ Đà Nẵng, chia sẻ trường hợp thực tế của mình: “Ban đầu họ làm quen, lấy mác người đang sinh sống ở nước ngoài để kết bạn tâm sự. Họ lừa tình cảm của mình xong rồi dụ mình đầu tư lời nhanh lắm. Khi mình nghi ngờ họ sẵn sàng đưa tài khoản của họ để hướng dẫn mình chơi giùm. Sau đó mình bắt đầu chuyển tiền vào được một thời gian thì họ mất tích, chặn liên lạc luôn”.

Trước tình trạng lừa tình, lừa tiền qua mạng gia tăng, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo: “Người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online, lời mời kết bạn từ người lạ trên các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online. Cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, trang web đầu tư tài chính online có nhiều rủi ro. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định”.

Qua khảo sát, có thể nhận thấy đối tượng lừa đảo thường tìm hiểu và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn. Sau đó tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp, hấp dẫn, sử dụng các chiêu trò lừa đảo để thu hút sự quan tâm của nạn nhân. Tiếp đó, các đối tượng này sẽ tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Sau đó yêu cầu gửi tiền, đầu tư vào Forex hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản…

Giả mạo hóa đơn chuyển tiền để lừa đảo

Theo Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trong tháng 4, cơ quan chức năng tiếp nhận nhiều trường hợp giả mạo hóa đơn chuyển tiền để lừa đảo, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công. Ngoài ra, hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian… Đặc biệt lưu ý: không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img