Saturday, May 4, 2024

Thị trường tín chỉ carbon: ‘Muốn có gạo thì phải làm ruộng’

Theo chuyên gia, TP.HCM thực hiện phát triển thị trường tín chỉ carbon có nhiều thuận lợi, đặc biệt rừng ngập mặn Cần Giờ có lưu lượng carbon cực lớn.

Ngày 22.4, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học “Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại TP.HCM”.

Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, khoản 10 điều 5 Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. UBND TP.HCM phối hợp các bộ xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon.

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết rừng Cần Giờ được xem là

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết rừng Cần Giờ được xem là “bể carbon xanh” trên thế giới

THÚY LIỄU

Tuy nhiên, việc này vẫn gặp một số khó khăn do chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, Nghị định 06 vẫn đang điều chỉnh, chưa hoàn thiện. Công nghệ đo lường, tính toán tín chỉ carbon có nhiều cách tính khác nhau, chưa thống nhất và nhận thức về thị trường carbon chưa đồng bộ, có nhiều khái niệm chưa nắm kỹ, các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu vẫn đang vừa học vừa làm. Việc thiếu hụt vốn đầu tư tạo nguồn tín chỉ carbon bền vững, phụ thuộc giá bán vào các tổ chức nước ngoài là thách thức cho TP.HCM khi tiến hành phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Tại tọa đàm, các đơn vị nghiên cứu tập trung sự quan tâm vào việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, kinh nghiệm của quốc tế và khu vực, TP.HCM cần học hỏi điều gì để tiến hành thành công thị trường tín chỉ carbon.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ thông tin, rừng Cần Giờ được xem là “bể carbon xanh (blue carbon)” cực lớn, giá trị tín chỉ carbon ở đây được tính cao hơn 1,5 – 1,8 lần so với tín chỉ ở các loại rừng khác.

“TP.HCM chỉ có rừng Cần Giờ là công trình hấp thụ carbon và giảm lượng phát thải khí nhà kính. Rừng Cần Giờ là hạ lưu của sông Đồng Nai, lượng carbon đổ về đây rất lớn, được các sinh vật và vị trí địa lý giữ lại. Theo ước tính, lượng lưu trữ carbon hấp thụ trên mặt đất tại rừng Cần Giờ khoảng từ 3 – 3,5 lần, nếu tính toán hợp lý, đây sẽ là cơ hội thuận lợi cực kỳ lớn đối với thị trường tín chỉ carbon”, ông Hoàn cho biết.

Ông Hoàn đề xuất đưa một bên trung gian vào giám sát, tư vấn thực hiện đầu tư thị trường tín chỉ carbon. TP.HCM sẽ quản lý thị trường này vận hành và cần có cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường tín chỉ carbon:

TS Trần Du Lịch nhận định, phát triển thị trường carbon giống như việc “muốn có gạo thì phải làm ruộng”

THÚY LIỄU

Tổng kết tọa đàm, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 nhận xét: “Thị trường tín chỉ carbon có thể nói là bên tạo cung cũng có cầu, mà bên cầu cũng tạo ra cung. Thực chất, để tạo ra tín chỉ carbon, thì phải có rừng để hấp thụ carbonic, nói nôm na “muốn có gạo thì phải làm ruộng”. Tôi đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tiếp tục tập hợp chuyên gia xác định nguồn cung, phát triển năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải nhà kính”.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng cần đánh giá rõ cung, cầu, khả năng phát triển của khu vực và doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img