Thực tế cho thấy, xuất khẩu gạo đang có nhiều thuận lợi, song trong nước xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá. Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo. Mục đích là để ngăn chặn hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Việc này đã từng được thực hiện cách đây khoảng 10 năm. Thế nhưng việc có nên lập lại giá sàn hay không đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Có nên áp giá sàn cho xuất khẩu gạo?

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất áp dụng giá sàn cho xuất khẩu gạo – Ảnh minh họa: ITN

Trước đề xuất của VFA, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long cho rằng, VFA kiến nghị áp giá sàn xuất khẩu gạo chỉ vì hai hợp đồng trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với giá bình quân thấp hơn chỉ khoảng 15 USD/tấn so với giá thị trường gần 580 USD/tấn là sự vô lý.

“Trong vận hành thị trường nông sản, nguồn cung bị ảnh hưởng rất lớn từ tác động từ thời tiết, mùa vụ và dịch bệnh. Vì thế yếu tố tương lai sẽ quyết định đến xu hướng giá. Doanh nghiệp có thể nhận định xu hướng giá tương lai giảm và ký hợp đồng với giá thấp hơn. Vì hợp đồng xuất khẩu này giao hàng vào tháng 7. Ngược lại trong trường hợp, giá thị trường tăng, doanh nghiệp chấp nhận vẫn phải giao hàng và chấp nhận lỗ. Đó là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, không thể nói là đây là sự ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến người dân, cũng không thể nói đây là phá giá”, ông Trương Sỹ Bá cho hay.

Theo ông Bá, đề nghị của VFA hoàn toàn phi nguyên tắc thị trường. Bởi, giá sàn không có giá trị khi giá thị trường thế giới cao hơn giá sàn. Còn trong trường hợp, giá thị trường thế giới thấp hơn giá sàn thì cầu của thị trường sẽ mua gạo của các nước khác trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… Như vậy gạo Việt Nam sẽ không xuất khẩu được.

“Giá sàn lúc đó là một rào cản, giống như là cấm xuất khẩu. Như vậy, nông dân Việt Nam sẽ không bán được hàng và giá nội địa sẽ giảm rất sâu. Bằng chứng trong nhiều năm trước đã xảy ra và Việt Nam đã bỏ giá sàn xuất khẩu gạo. Ngoài ra, khi áp dụng giá sàn thì các đơn hàng xuất khẩu đều phải thông qua VFA để đăng ký mới xuất khẩu được. Điều này sẽ phát sinh thủ tục hành chính và chi phí với doanh nghiệp”, ông Trương Sỹ Bá nêu rõ.

Có nên áp giá sàn cho xuất khẩu gạo?

Nhiều ý kiến cho rằng đề nghị của VFA hoàn toàn phi nguyên tắc thị trường bởi giá sàn không có giá trị khi giá thị trường thế giới cao hơn giá sàn – Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cũng cho biết, trước đây, khi áp dụng giá sàn cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn.

“Bây giờ quay lại giá sàn cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng”, bà Tâm nhấn mạnh.

Xoay quanh vấn đề này, ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp nhận định, cần phải xem xét doanh nghiệp đưa ra giá gạo thấp là loại gạo gì, đồng thời xem xét việc giá thầu thấp có phải là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hay không?

Việc doanh nghiệp đưa ra giá thấp dẫn đến hai tình huống. Nếu nhu cầu mua gạo trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp đó sẽ thua lỗ do giá lúa trong nước tăng cao. Ngược lại, nhu cầu mua thấp hoặc nguồn cung tăng nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, doanh nghiệp vẫn có đơn hàng để giao.

“Việc đưa giá thầu thấp hay cao là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá thấp sẽ tác động đến công việc quản trị của cơ quan quản lý, nhà xuất khẩu và người nông dân. Bởi rất có thể đối tác mua hàng lấy đây làm căn cứ để hạ giá gạo của Việt Nam xuống thấp hơn, gây bất lợi cho người trồng lúa. Và rất có thể gây ra những tổn thương đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thuỷ chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp được đề xuất là áp lại giá sàn xuất khẩu gạo.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay thì không cần thiết để phải áp dụng giá sàn. Vì thị trường lúc này chỉ nóng mang tính chất thời điểm”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Trước đề xuất của VFA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp tối ưu.