Lực đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024. Ảnh: Quốc Tuấn

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; những áp lực mạnh mẽ từ các tiêu chuẩn xanh của thị trường nhập khẩu quốc tế… đang tạo ra thách thức cho sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng truyền thống sang kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp hoá giải thách thức, vừa giải bài toán tăng năng suất, chất lượng vừa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững lâu dài.

Thực tế, nhiều sáng kiến hướng đến kinh tế tuần hoàn, giải quyết những thách thức trên đang được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chung tay hợp tác. Kết quả nhận được từ sáng kiến thực hiện được “cân đong đo đếm” thành những giá trị kinh tế, tác động hiệu quả đến quá trình sản xuất kinh doanh. TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: sự quan tâm và triển khai của doanh nghiệp chính là minh chứng cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mang lại lợi ích kinh tế, bên cạnh những lợi ích về xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, những sáng tạo, sáng kiến đột phá hơn phát triển kinh tế tuần hoàn hay nhân rộng mô hình kinh tế mới này từ các doanh nghiệp quy mô lớn, liên minh doanh nghiệp sang những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau lại chưa được áp dụng mạnh mẽ bởi hành lang chính sách pháp luật chưa đầy đủ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Điều này cho thấy, nỗ lực tự thân chủ động nắm bắt và triển khai mô hình kinh tế mới của doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng khó có thể tạo ra đột phá cho những thay đổi lớn. Đồng hành cùng những nỗ lực này cần khung chính sách và pháp lý đóng vai trò điều phối, thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trước yêu cầu phát triển và lan toả kinh tế tuần hoàn, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của doanh nghiệp, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng: Cần cân nhắc, tập trung xử lý các vấn đề bất cập đang tồn tại trong hợp tác công tư, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong thực hiện kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế tới triển khai ở các cấp, các ngành, từng doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, sớm thí điểm phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn cụ thể trong từng lĩnh vực, tiến tới mở rộng trong hai hoặc nhiều lĩnh vực; hoàn thiện khung chính sách và pháp lý đủ rộng, ổn định trong trung và dài hạn, có phạm vi gắn kết ở nhiều lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi, niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện; trao đổi, đối thoại cởi mở với khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài để tìm hiểu nhu cầu và các vướng mắc trong đầu tư.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, cần nghiên cứu, ban hành cơ chế huy động, tạo thuận lợi cho mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, các dự án liên kết vùng có sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm công xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với phát triển công nghệ xanh… Xây dựng hành lang pháp lý về thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời sản phẩm.