Saturday, June 22, 2024

Đòn giáng mạnh của Nga khi Ukraine thiếu hệ thống phòng không

Chiến dịch mới của Nga đã làm tăng gấp đôi sự tuyệt vọng của Ukraine trong việc tăng cường phòng không để bảo vệ những gì còn lại của hệ thống năng lượng.

Chiến dịch làm tăng gấp đôi sự tuyệt vọng của Ukraine

Cuộc tấn công mới của Nga nhằm vào ngành điện Ukraine trong mùa xuân, hiện đã phá hủy khoảng một nửa khả năng tạo ra điện của quốc gia này, giáng đòn mạnh vào tinh thần chiến đấu cũng như ngành sản xuất công nghiệp của Kiev. Điều tồi tệ hơn là Ukraine có rất ít triển vọng về một giải pháp nhanh chóng khắc phục tình hình trước khi bước vào mùa đông thứ ba của cuộc xung đột.

Kể từ đầu năm nay, Nga đặt mục tiêu hoàn thành công việc mà họ chưa thể hoàn thành đầu năm 2023, đó là phá hủy ngành năng lượng của Ukraine. Bắt đầu từ tháng 3, Nga đặc biệt nhắm vào các nhà máy điện lớn nhất của Ukraine trong 6 đợt tấn công lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái, xóa sổ khoảng 9 gigawatt sản lượng điện, tương đương một nửa tổng sản lượng điện của cả nước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại một hội nghị tái thiết ở Berlin hôm 11/6 rằng các cuộc tấn công của Nga đã xóa sổ 80% các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt lớn của Ukraine, cũng như 1/3 cơ sở thủy điện của nước này.

Đặc biệt, do hậu quả của hai cuộc tấn công lớn vừa qua, vào đầu tháng 5 và đầu tháng 6, Ukraine đã phải xoay vòng cung cấp điện cho công nghiệp và các hộ gia đình, khiến nhiều người chỉ có điện trong thời gian ngắn; một số thành phố, chẳng hạn như Kharkov, ở tiền tuyến phía Đông gần như không có điện.

Slawomir Matuszak, chuyên gia Ukraine tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông ở Warsaw, cho biết: “Sự khác biệt là trước đây họ chủ yếu nhắm vào các đường dây truyền tải và trạm biến áp, còn bây giờ họ đang phá hủy các nhà máy phát điện. Các cuộc tấn công trước đây tương đối dễ phục hồi sau vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng bây giờ phải cần một đến hai năm để xây dựng lại song không có gì đảm bảo bởi vì chúng có thể dễ dàng bị tấn công lại”.

Đối với các nhà lãnh đạo Ukraine, các cuộc tấn công mới của Nga đặt ra mối đe dọa với khả năng vốn đã bị kéo căng của nước này trước các cuộc ném bom không ngừng của Moscow, sự gián đoạn về kinh tế xã hội, cũng như việc huy động lực lượng. Chiến dịch mới đã làm tăng gấp đôi sự tuyệt vọng của Ukraine trong việc tăng cường phòng không để bảo vệ những gì còn lại của hệ thống năng lượng.

Giữa bối cảnh đó, nghị sĩ Ukraine Kira Rudik đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ cho nước này tiêm kích F-16 và Mirage. Việc Nga tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine cũng tạo ra sự cấp bách mới cho câu hỏi làm thế nào và khi nào tận dụng tài sản bị đóng băng của Moscow để hỗ trợ Ukraine. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang thực hiện kế hoạch biến số tiền thu được từ khoản tiền mặt bị phong tỏa của Nga thành một khoản vay lớn cho Ukraine.

“Bây giờ chúng tôi cần tiền. Chúng tôi có một nhiệm vụ trước mắt: đó là sống sót qua mùa hè và bằng cách nào đó vượt qua mùa đông”, Nghị sĩ Rudik nói.

Một số nước phương Tây đang chú ý lời kêu gọi của Ukraine về việc tăng cường phòng không, điều có thể giúp bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công của Nga. Đức hiện đang cân nhắc điều động tổ hợp phòng không Patriot thứ tư trong khi Thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi các đồng minh hành động nhiều hơn nữa; Italy đang chuẩn bị gửi thêm hệ thống phòng không của mình, trong khi Tây Ban Nha cũng đang cung cấp thêm vũ khí phòng không. Cuối tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa thêm tên lửa phòng không vào gói viện trợ mới nhất cho Ukraine.

Giải pháp của Ukraine

Tăng cường phòng không là điều kiện cần nhưng chưa đủ để bắt đầu xây dựng lại ngành điện đang bị tàn phá của Ukraine. Ngay cả tại những nhà máy lớn có lá chắn phòng không như trạm phát điện Trypilla quan trọng ở Kiev, lực lượng Ukraine đã cạn kiệt đạn dược do cuộc tấn công lớn của Nga vào tháng 4 và nhà máy đã bị phá hủy. Tuy nhiên, dù có hệ thống phòng không tốt hơn, các chuyên gia năng lượng vẫn đặt câu hỏi về khả năng sản xuất điện từ 2 – 3 gigawat trước mùa đông.

Một giải pháp ngắn hạn nhưng tốn kém là dựa vào nhập khẩu điện nhiều hơn từ châu Âu. Ngay trước khi cuộc tấn công của Nga bắt đầu vào năm nay, Ukraine thực tế đã xuất khẩu lượng điện dư thừa sang châu Âu nhưng điều đó đã sớm bị đảo ngược. Hiện nay. Ukraine có thể nhập khẩu khoảng 1,7 gigawatt điện từ châu Âu và trong hoàn cảnh khó khăn thậm chí có thể phải nhập hơn 2 gigawatt điện. Vấn đề là điện nhập khẩu đắt hơn điện được trợ cấp mà Ukraine sản xuất trong nước, làm trầm trọng thêm tình hình tài chính vốn đã căng thẳng của quốc gia này.

Giải pháp khác là xây dựng thêm nhiều nhà máy điện nhỏ, phi tập trung, bao gồm các tua-bin chạy bằng khí đốt nhỏ và các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhu cầu sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn đã thực sự gia tăng trong thời kỳ xung đột và đặc biệt là sau cuộc tấn công dữ dội của Nga vào mùa xuân năm nay, khi Ukraine tìm kiếm các nguồn phát điện mới.

Hôm 11/6, các thành viên của Nhóm Điều phối Năng lượng G7+ và chính phủ Ukraine đã vạch ra các kế hoạch nhằm làm cho ngành điện trở nên linh hoạt hơn, bao gồm cả kế hoạch thông qua việc phát điện phân tán hơn. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại hội nghị Berlin rằng Brussels đang quyên tiền để sửa chữa khẩn cấp ngành điện cũng như một loạt máy phát điện quy mô nhỏ. Bà nói: “Mục đích là giúp phân cấp hệ thống điện và do đó tăng khả năng phục hồi”.

Nói về ưu điểm lớn nhất của việc thay thế các nhà máy điện tập trung, cồng kềnh bằng nhiều nhà máy điện nhỏ hơn, phân tán rộng rãi, Andrian Prokip, chuyên gia về năng lượng tại Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson ở Kiev cho biết: “Nếu bạn có các trạm phát điện nhỏ với số lượng lớn, thì Nga sẽ không có đủ tên lửa để bắn trúng tất cả, ngay cả khi họ biết chúng ở đâu. Vì vậy, phân tán các máy phát điện là cách làm đúng nhưng chính phủ đã không thực hiện đủ các bước cần thiết để thực hiện điều này khi có thể”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img