Friday, June 28, 2024

Cho thuê hoặc bán tài khoản, coi chừng thành đồng phạm

Theo Công an TP.HCM, tội phạm rửa tiền hiện hoạt động có tổ chức bằng việc mở nhiều doanh nghiệp “ma”, với số tiền giao dịch lớn lên đến cả hàng ngàn tỉ đồng…

THÀNH LẬP 250 DOANH NGHIỆP “MA”

Mới đây, Công an TP.HCM triệt phá đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bắt tạm giam 13 bị can, rửa tiền 13.000 tỉ đồng.

Cho thuê hoặc bán tài khoản, coi chừng thành đồng phạm

Một bị can người nước ngoài trong vụ án rửa tiền lên đến 13.000 tỉ đồng

Thanh Tuyền

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Trần Thị Kim Lý, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01) Công an TP.HCM, cho biết đây là băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài, đối tượng móc nối với người VN hoạt động phạm tội. Cụ thể, đầu năm 2024, Công an TP.HCM nhận được nguồn tin về việc một công ty có trụ sở tại Ukraine bị một số người chưa rõ lai lịch, sử dụng địa chỉ email tương tự địa chỉ email công ty đối tác tại Hàn Quốc để trao đổi các nội dung liên quan đến giao dịch hợp đồng kinh tế. Việc này khiến cho công ty tại Ukraine lầm tưởng đã chuyển tiền vào một tài khoản tại ngân hàng VN và bị chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác rồi chiếm đoạt. Hành vi trên là thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, băng nhóm này thành lập 250 công ty “ma”, nhằm mở tài khoản phục vụ hoạt động phạm tội và sử dụng các cơ sở kinh doanh cũng như tiệm vàng với tổng giao dịch rửa tiền 13.000 tỉ đồng.

Theo đại tá Kim Lý, khi nhận được tiền vào tài khoản bằng USD, băng nhóm đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VND, rồi chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác ở VN. Sau đó, nhóm người này rút tiền mặt, chuyển trái phép VND sang USD rồi tuồn qua Campuchia cho đồng bọn. Bọn chúng đã mở hơn 700 tài khoản cá nhân phục vụ cho hoạt động phạm tội.

Cũng theo đại tá Kim Lý, việc điều tra, triệt phá đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới gặp rất nhiều khó khăn, bởi các bị can trong và ngoài nước hoạt động hết sức tinh vi, có tổ chức, số tiền giao dịch lớn.

Một cán bộ Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho hay hành vi rửa tiền nhằm che giấu thông tin về tài sản phạm pháp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc phát hiện, xử lý. Thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền nổi lên việc sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng, hoặc thuê, mua, bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội.

Bọn tội phạm sử dụng các tài khoản ngân hàng mua được thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền, sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức thủ đoạn. Người dân không nên cho thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng của mình để hưởng lợi ích để tránh tiếp tay và trở thành nạn nhân của tội phạm. Nghiêm trọng hơn, chủ tài khoản có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm, chịu trách nhiệm hình sự với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng…

CHE GIẤU NGUỒN TIỀN “BẨN”

Về tội “rửa tiền” theo điểm a khoản 1 điều 324 bộ luật Hình sự quy định, người nào tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có… thì bị phạt từ 1 – 5 năm tù.

Tại điều 4 Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao “hành vi tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng” là thực hiện, hỗ trợ thực hiện, hoặc thông qua người khác.

Cụ thể, thứ nhất là mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thứ hai là góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức. Thứ ba, rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật. Thứ tư, cầm cố, thế chấp tài sản; cho vay, cho thuê tài chính; chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; tham gia phát hành chứng khoán…

Theo TS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND tối cao, tội “rửa tiền” theo điều 324 bộ luật Hình sự ngoài cá nhân, thì pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội danh này. Việc đưa thêm chủ thể là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “rửa tiền” tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về thương mại, đầu tư, tài chính và cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

“Tội phạm thực hiện các hành vi rửa tiền dưới hình thức lỗi cố ý, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc phi pháp của dòng tiền “bẩn”, làm cho nó hợp pháp hơn. Hay nói cách khác là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó”, TS Kim Vinh nói.

Bộ Công an kiến nghị nhiều bộ, ngành phòng chống rửa tiền

Liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát), theo kết luận điều tra, bị can bị cáo buộc rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng có từ hành vi phạm tội “tham ô tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Qua đó, Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng… tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế; Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính… tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp.

Bộ Công an cũng vừa chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp đẩy mạnh công tác nắm tình hình, rà soát các đối tượng, vụ việc để phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, xử lý triệt để các vụ việc nghi vấn liên quan đến rửa tiền. Đồng thời, Bộ Công an tăng cường công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tội rửa tiền.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người trong mộng xuân khuê
Báo thù SCTV14
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img