Ngày 23.8, TP.HCM bắt đầu siết chặt các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, về công tác an sinh, Trung tâm an sinh sẽ triển khai 2 triệu túi an sinh đến tay người dân khó khăn do dịch Covid-19. Trong ngày 23.8, Đội SOS của Trung tâm an sinh được thành lập để kịp thời hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp.
Làm việc 24/7
7 giờ 30 ngày 26.8, tại điểm kho chứa hàng hóa ở Trường THCS Trần Văn Ơn nằm trên đường Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, Q.1, gần 10 thành viên thuộc Đội SOS của Trung tâm an sinh bận rộn, tất bật. Người gọi xác minh thông tin, người soạn hàng hóa để chất lên xe trung chuyển đi trao cho người dân khó khăn…
Những phần quà gửi đến người dân gồm gạo, trứng, sữa, dầu ăn… Đối với những nhà có trẻ nhỏ sẽ gửi kèm thêm sữa.
|
Anh Trương Trần Phương (Phụ trách Đội SOS – Trung tâm an sinh) cho biết, mỗi ngày Đội SOS sẽ nhận thông tin người dân yêu cầu hỗ trợ từ các đường dây nóng của MTTQ VN TP.HCM. Sau đó, đội SOS sẽ gọi điện thoại xác nhận và kiểm tra lại thông tin với cơ quan chức năng nơi người dân sinh sống, nếu thông tin chính xác sẽ thêm vào danh sách. Đến tối, sau khi danh sách hoàn thành sẽ chuyển lên trên ký duyệt để hôm sau trao kịp thời cho người dân khó khăn.
Các xe ô tô được bố trí để chở hàng hóa số lượng lớn và giao ở những nơi xa.
|
Đội SOS của trung tâm có hơn 20 tình nguyện viên và 1 đội ngũ hỗ trợ là thành viên Caravan VN. Tại kho có 15 xe ô tô, 5 xe máy. Xe ô tô để chuyển hàng đi xa, xe máy sẽ giao trong các hẻm nhỏ và chỗ ở gần kho.
Đội SOS giao hàng bằng xe máy sẽ đến nhà của người dân trong các hẻm nhỏ và chỗ ở gần kho.
|
“Đội có 3 kho chứa hàng hóa, riêng kho này thôi đã hơn 400 đơn mỗi ngày. Các thành viên làm 24/7, không có thời gian nghỉ, cố gắng làm để người dân khó khăn phải được hỗ trợ kịp thời”, anh Phương nói và chỉ vào xấp danh sách dày cộm để trên thùng hàng.
Mỗi ngày, danh sách người dân cần hỗ trợ lên đến hơn 400 người. Trong danh sách sẽ ghi rõ thông tin liên hệ kèm theo hoàn cảnh cụ thể từng người dân.
|
Trong từng tờ danh sách người dân khó khăn cần hỗ trợ, ngoài thông tin cơ bản như họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng hóa, còn có những dòng ghi chú rõ hoàn cảnh của từng hộ: “Nhà có 5 người, một người già 77 tuổi và 3 người thất nghiệp…”, “Cho em xin túi an sinh với ạ, em thất nghiệp 3 tháng nay rồi không còn tiền, mong giúp em”, “Không có tiền ở trọ, đang ở tạm trường mầm non, nhờ hỗ trợ”…
Giúp được người dân là thấy vui!
Anh Đặng Hoàng Ân (43 tuổi, tình nguyện viên) cho biết, các tình nguyện viên của Đội SOS Trung tâm an sinh đều có công việc ổn định như giám đốc công ty, đạo diễn… nhưng khi thấy dịch bệnh phức tạp, mọi người đều đăng ký tham gia để giúp đỡ người dân.
“Có những đơn hàng, ngay đường bị rào lại để hạn chế người qua lại, chúng tôi tìm đường khác để đi hoặc nán lại đợi người dân ra chốt lấy. Giúp thì giúp cho trót, mỗi lần giao quà chỉ mong đến tay người dân”, anh Ân nói.
Trước khi đi giao quà, tình nguyện viên sẽ gọi thông báo trước với người dân.
|
Anh Hồng Phú Vinh (49 tuổi, tình nguyện viên) cho biết anh là đạo diễn phim, nhưng từ 31.5 tình hình dịch bệnh phức tạp, các dự án phim cũng phải tạm ngưng. “Tôi được bạn bè giới thiệu về Đội SOS nên đăng ký tham gia. Làm đạo diễn cũng quen việc thức khuya dậy sớm, ra đây phụ giúp mọi người một tay, giúp được người khó khăn, san sẻ trong đại dịch là tôi vui rồi”, anh Vinh chia sẻ.
Đối với các tình nguyện viên, khi giúp đỡ người dân đã thấy vui. Nhận được tin nhắn cảm ơn của người dân giúp các tình nguyện viên có thêm động lực để làm việc.
|
Còn anh L.Q.V (58 tuổi, tình nguyện viên) cho biết, thông qua bạn bè anh tham gia tình nguyện ở Đội SOS. Chiếc xe 4 chỗ được anh được thiết kế lại, 2 ghế sau được gập lại để chất hàng được nhiều hơn.
Tin nhắn người dân gửi lời cảm ơn đến các tình nguyện viên.
|
“Có trường hợp người dân ở xa, cách đây 20 cây số, tôi gọi gửi quà nhưng họ không nghe điện thoại. Đến tối liên lạc được thì tôi hẹn sáng mai giao sớm. Tôi nhận được tin nhắn của người cần giúp đỡ với nội dung: “Em mừng quá! Mai nhà em có cái ăn rồi. Cảm ơn anh đã cứu gia đình em lúc hoạn nạn”. Tôi đọc xong tin nhắn thấy không đành lòng, sáng 5 giờ 30 phải dậy đi giao gấp. Thương quá, tôi còn xách đồ ăn của mình cho thêm. Giờ mình không làm, mình sợ dịch thì ai dám ra giúp đỡ người dân”, anh V. tâm sự.
Khổ quá mới nhờ giúp…
Mỗi ngày, các tình nguyện viên của Đội SOS sẽ chia 2 ca làm việc, các thành viên trong đội sẽ nhận danh sách người dân nhận quà hỗ trợ theo từng khu vực quận, huyện và sẽ gọi thông báo trước khi đến giao quà.
Sau khi lái xe ô tô vào chỗ chất hàng, anh Cao Hữu Hạnh (45 tuổi, tình nguyện viên) gọi thông báo đến người dân. “Tôi bên đội SOS của Trung tâm an sinh sắp đến gửi túi quà an sinh. Anh, chị vui lòng giữ điện thoại để ra nhận hàng”, anh Hạnh nói rồi cầm viết ghi chú vào danh sách đã xác nhận thành công.
Sau khi xe vận chuyển hàng của Đội SOS đến điểm giao quà, anh Hạnh soạn quà để gửi cho người dân.
|
Sau khi lấy đủ các đơn hàng trong danh sách, chiếc xe bán tải chất đầy túi quà an sinh của anh Hạnh bắt đầu đi từ trung tâm Q.1 đến giao quà tại con hẻm trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp. Nhận được thông báo từ trước của đội, chị P.L (29, ngụ An Giang) đã đứng đợi sẵn trước một chốt vùng xanh để nhận quà.
Trước đây chị P.L làm công nhân may ở một công ty ở Q.Gò Vấp. Dịch bệnh khiến công ty chị phải cắt giảm nhân sự, chị thất nghiệp hơn 2 tháng. “Tôi cần đồ ăn, rồi sữa cho hai đứa con nhỏ. Nếu không khó khăn, tôi cũng không dám gọi nhưng giờ mình quá khổ rồi, không cầm cự được nữa…”, chị P.L nói.
Tại một địa chỉ công trình đang thi công nằm trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, sau khi nghe điện thoại từ Đội SOS, anh H.N.H (38 tuổi, ngụ Quảng Nam) liền ra nhận quà cứu trợ. Anh Hiếu làm nghề thợ sơn nhưng 3 tháng nay dịch bệnh, không được nhận làm nên đành thất nghiệp ở tạm phòng trọ ở đường Cây Trâm, Q.Gò Vấp.
Ở trọ được thêm 2 tháng dịch, chủ trọ giảm 500.000 đồng tiền nhà mỗi tháng nhưng anh Hiếu không có đủ tiền đóng. Cách đây 4 ngày anh gom góp còn 2 triệu đồng, anh gửi trả cho chủ trọ rồi xin trả phòng. May mắn nhờ có người bạn xin chủ công trình cho anh qua ở tạm, vừa có chỗ ở vừa trông coi đồ đạc giúp. Phía bên trong công trình, anh H. chỉ kê được cái bếp, trải thêm tấm chiếu để ngủ tạm.
Không có tiền thuê trọ, anh H. xin ở tạm ở công trình xây dựng. Chỗ ở tạm chỉ kê đủ bếp và tấm chiếu để ngủ tạm.
|
“Tôi ra đây ở được 4 ngày rồi, dịch quá nên không làm gì ra tiền. Điện thoại thông minh tôi cũng không có nên không biết về Đội SOS này. Người thân ở nhà lo nên lên mạng tìm số điện thoại của đội SOS trung tâm an sinh rồi gửi cho tôi gọi. Mới gọi lên hôm qua mà nay đã nhận được thêm gạo, trứng. Tôi mừng lắm”, anh H. chia sẻ.