Không được vào Đà Nẵng vì thiếu “văn bản cho phép”
Trưa ngày 23.9, PV Thanh Niên có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Trạm CSGT Cửa ô Hòa Phước (đóng trên QL1, xã Hòa Phước, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) ghi nhận có rất nhiều người từ tỉnh Quảng Nam không được vào TP.Đà Nẵng. Bên cạnh đó, người rời TP.Đà Nẵng để đi tỉnh Quảng Nam cũng không được qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 vì thiếu nhiều giấy tờ. Lực lượng chức năng đã hướng dẫn, giải thích và buộc các phương tiện này quay đầu xe.
Chị Nguyễn Thanh Tuyết (trú H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết đã tức tốc xin giấy tờ cấp xã để được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, khi đến chốt cửa ô Hòa Phước lực lượng chức năng không cho vào TP vì lý do không có văn bản cho phép của UBND TP.Đà Nẵng.
“Tôi mắc kẹt ở quê Quảng Nam hơn 3 tháng nay, con cái thì ở ngoài Đà Nẵng gửi ông bà lớn tuổi chăm sóc. Tôi ở Quảng Nam thì làm sao để trình đơn lên xin UBND TP.Đà Nẵng? Rồi chờ xem xét cho phép thì đến bao giờ? Các con ở với ông bà lớn tuổi không thể học online được”, chị Tuyết nói.
Dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát nhưng việc đi lại của người dân vẫn chưa thuận lợi
|
Đồng cảnh ngộ, anh Hà Quốc Hạnh (trú xã Duy Hòa, H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã nhiều tháng qua bị mắc kẹt ở quê khiến anh Hạnh phải nghỉ việc. Đến nay, khi đã chuẩn bị tất cả giấy tờ cần thiết từ phía địa phương tỉnh Quảng Nam thì anh Hạnh thiếu văn bản cho phép của UBND TP.Đà Nẵng. Được lực lượng CSGT giải thích, hướng dẫn anh Hạnh quay xe về lại H.Duy Xuyên.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Trạm CSGT Cửa ô Hòa Phước (Phòng CSGT, Công an TP.Đà Nẵng) cho biết khi Sở Y tế Đà Nẵng ban hành công văn hướng dẫn người dân ra, vào thành phố đã có rất nhiều phương tiện di chuyển đến chốt kiểm soát dịch. Tuy nhiên, có rất ít người đủ điều kiện ra vào TP, vì cơ bản đều không có văn bản cho phép của UBND TP.Đà Nẵng.
Cần giản lược các thủ tục
Được biết, từ 21.9, TP Đà Nẵng áp dụng trình tự 3 bước dành cho người vào TP, gồm: chuẩn bị các giấy tờ liên quan có xác nhận của đơn vị; khai báo, xét nghiệm tại chốt; áp dụng các biện pháp phòng dịch, thực hiện cách ly cụ thể. Đáng lưu ý các phương án vào thành phố đều phải đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch đều phải được UBND TP.Đà Nẵng hoặc Sở Y tế phê duyệt.
Đối với các trường hợp rời khỏi Đà Nẵng, địa phương cũng quy định phải có công văn có xác nhận của phường, xã nơi lưu trú và có văn bản phản hồi, thông tin cho địa phương nơi đi đến. Công văn phải có thông tin cá nhân, tính cấp bách, tình trạng công dân… và phải ở khu vực không có cách ly y tế. Đặc biệt, phải có sự đồng ý tiếp nhận của nơi đến thì mới được rời thành phố.
Theo đó, người đi khỏi TP.Đà Nẵng phải tuân thủ trình tự 5 bước, gồm: làm đơn gửi địa phương đang lưu trú; liên hệ địa phương nơi đến; quận, huyện đề xuất dự thảo văn bản để Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận; cung cấp công văn chấp thuận này nếu được yêu cầu trên suốt lộ trình di chuyển; quay trở lại TP.Đà Nẵng cũng thực hiện các công đoạn như khi rời đi, riêng về lại từ vùng có dịch thì phải cách ly y tế.
Những quy định trên khi triển khai vào thực tế đã phát sinh những vướng mắc và đã gây bức xúc với nhiều trường hợp người dân khi có nhu cầu được ra – vào thành phố sau thời gian dài mắc kẹt vì dịch bệnh. Ngày 23.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, sau 2 ngày áp dụng các thủ tục chặt chẽ để ra, vào thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng có nhận được phản hồi tại các chốt và đã gửi đến văn phòng UBND TP.Đà Nẵng giải quyết.
Theo ông Hồng, hầu hết các đơn vị muốn vào TP đều nghiên cứu trước văn bản yêu cầu của TP để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện. Khi thực sự cần thiết thì các đơn vị đều đảm bảo đủ thủ tục. Hiện chỉ có các cá nhân đơn lẻ phải giải quyết thì lý do phải thực sự thuyết phục, với giấy tờ đảm bảo và phải tuân thủ test nhanh tại chốt.
“Chỉ giải quyết những cá nhân thực sự tối cần thiết chứ không phải vào TP theo nhu cầu. Vì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là không để lọt dịch từ bên ngoài vào thành phố, để tiếp tục kiểm soát ổn bên trong”, ông Hồng nói. Liên quan đến vấn đề này, ông Hồng cũng cho biết thêm, những ngày tới, địa phương sẽ có những điều chỉnh mở hơn khi tình hình được nới lỏng.
Đà Nẵng đang kiểm soát chặt chẽ việc ra vào tại các cửa ngõ thành phố để dịch bệnh không lây nhiễm vào thành phố
|
Theo ông Nguyễn Hà Nam, Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày có từ 150 – 200 đơn xin ra khỏi thành phố từ người dân. Do số lượng đơn tăng đột biến nên tốc độ giải quyết đơn chưa theo kịp yêu cầu.
“Hiện nay, Văn phòng UBND TP đang rà soát để có phương án chống dịch mới trong giai đoạn mới. Trong đó sẽ có nội dung hướng dẫn ra vào thành phố. Theo chỉ đạo của UBND TP, tinh thần sẽ giản lược các thủ tục nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chống dịch. Khoảng 1 – 2 ngày tới sẽ ban hành quyết định chống dịch mới và có hướng dẫn người dân ra vào thành phố thuận tiện hơn”. ông Nam nói.
Việc người dân vào ra Đà Nẵng cần phải có giấy chấp thuận ở cấp UBND TP gây nên bức xúc cho người dân
|
Sáng 23.9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thông báo kết luận của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh việc lên phương án cách ly người dân về từ vùng dịch với số lượng lớn trước tình hình TP.Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh phía nam nới lỏng giãn cách xã hội trong thời gian tới.
Quảng Nam cũng cho phép công dân được di chuyển từ TP.Đà Nẵng về Quảng Nam nhập học hoặc xử lý các việc cấp thiết. Điều kiện, phải thực khai báo y tế, xuất trình giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 3 ngày, cam kết tuân thủ nguyên tắc “2 điểm, 1 tuyến”, không dừng, đỗ dọc đường, di chuyển đến thẳng khu cách ly tập trung… Đồng thời, cũng cho phép công dân rời khỏi địa bàn tỉnh đến các địa bàn khi có việc cấp thiết, như: nhập học, bay đi du học…
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến về một số trường hợp vẫn có thể ra vào giữa địa bàn 2 tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng mà không phải cách ly. Bao gồm trường hợp người phải đi khám chữa bệnh (có giấy hẹn của cơ sở y tế); dự tang lễ tứ thân phụ mẫu, anh chị em ruột, con ruột (có giấy xác nhận của địa phương nơi lưu trú) và du học sinh phải đi khám sức khỏe, phỏng vấn theo lịch hẹn để đi học tập ở nước ngoài. Ngoài ra, người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam và ngược lại để làm những công việc không thể trì hoãn, công việc cần thiết, cấp bách (lắp đặt máy móc, thi công các công trình…) với các đối tác (kèm theo các văn bản có liên quan).
|